Tết ở Tây Bắc có gì vui?. | Tây Bắc TV
Tết ở Tây Bắc có gì vui? Những điều thú vị và bí ẩn trong phong tục tập quán của đồng báo các dân tộc ở Tây Bắc khi đón tết luôn là điều gì đó hấp dẫn với du khách thập phương. Hãy cùng du xuân Tây Bắc cùng Tây Bắc TV để xem tết ở Tây Bắc có gì vui nhé!
1. Tết ở Tây Bắc vào thời gian nào?
Theo phong tục truyền thống của các dân tộc thì mỗi dân tộc lại có một cách ăn tết riêng. Về mặt thời gian cũng chỉ có điểm chung là ăn tết vào mùa xuân. Thường thì, họ ăn tết trước tết Nguyên Đán khoảng nửa tháng, khi mùa vụ cơ bản đã tươm tất.
Tuy nhiên, khi đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc luôn giữ lòng tin vào đường lối của Đảng, tin và theo Đảng thì nhân dân khắp nơi đều ăn tết theo khung thời gian mà nhà nước quy định. Chỉ có hội xuân thì sẽ kéo dài sang đến cuối tháng Giêng.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chưa thể khái quát hết được đặc trưng văn hóa ngày tết của tất cả các dân tộc ở Tây Bắc. Tuy nhiên, phần nào cũng giúp độc giả hiểu được một phần bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Thái… trong dịp tết cổ truyền.
Bạn đã sẵn sàng cùng Tây Bắc TV khám phá tết ở Tây Bắc chưa?
2. Tết ở Tây Bắc có gì vui?
Cũng như ở khắp mọi nơi trên mọi miền tổ quốc, tết ở Tây Bắc cùng nhọn nhịp, tưng bừng không kém. Tây Bắc TV sẽ cùng bạn khám phá các không gian tết đặc biệt của vùng núi cao mây trắng này nhé!
2.1. Tết ở Tây Bắc có chợ phiên
Tết ở Tây Bắc có rất nhiều hoạt động nhưng bạn có muốn thử đi chợ phiên ngày tết ở Tây Bắc không? Sớm mai, từ các ngả đường, trai làng gái bản đổ về các thị trấn nhỏ để đi chợ phiên. Chợ phiên ngày tết luôn đông vui và chật kín người. Mỗi người đến chợ ít nhiều đều cần trên tay thứ gì đó. Có thể là thứ bán đi, có thể là thứ mua về. Con gà, con chó cắp nách chợ phiên; Bó rau, sợi chỉ trong túi chéo đi chợ phiên; chai rượu, hạt lạc cũng lủng lẳng chợ phiên. Con ngựa, con trâu cũng ngấp ngé chợ phiên…
Sau đây, là các chợ phiên nổi tiếng ở Tây Bắc bạn nhất định phải đến một lần trong đời.
Chợ phiên Cán Cấu (Lào Cai)
Tết ở Tây Bắc bạn nên đi chợ phiên Cán Cấu ở Si Ma Cai, thuộc tỉnh Lào Cai. Đây là một trong số ít những chợ phiên còn giữ được nguyên vẹn nét đẹp của một phiên chợ truyền thống ở Tây Bắc. Chợ phiên Cán Cấu nằm cách thị trấn Sapa khoảng 100km.
Chợ phiên Cán Cấu khiến nhiều du khách ngạc nhiên bởi cảnh đẹp thiên nhiên ở vùng quê hẻo lánh. Đứng từ trên Quốc lộ 153 nhìn xuống, du khách sẽ thấy toàn cảnh chợ họp theo từng tầng, từ trên xuống, giống như những bậc thang màu sắc chồng xếp lên nhau. Đến đây, du khách còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang lưng chừng các dãy núi trùng điệp. Thấp thoáng trong mây là những căn nhà tranh mái lá đơn sơ của đồng bào các dân tộc ở Si Ma Cai.
Đi chợ phiên Cán Cấu, du khách hãy tranh thủ trai nghiệm không gian văn hóa đậm chất vùng cao ở các sạp hàng rau, củ, quả hay các sạp thổ cẩm truyền thống được suy trì từ bao đời nay. Chợ trâu Cán Cấu trở nên nổi tiếng hơn khi chính nới đây, những chú trâu to, khỏe mạnh được về với chủ mới, mang đến niềm vui mới, ấm no cho bao gia đình.
Chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai)
Tết ở Tây Bắc bạn hãy đến chợ phiên Bắc Hà nằm tại thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây cung là một trong số những chợ phiên nổi tiếng với những vẻ nguyên sơ, mộc mạc và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Tây Bắc. Chợ phiên Bắc Hà nổi tiếng nhộn nhịp bới nơi đây không chỉ là nơi mua và bán, mà nó còn tập trung những tinh túy, nét đặc sắc văn hóa của bà con người Mông, Tày, Nùng….
Chợ phiên Bắc Hà cách thành phố Lào Cai khoảng 70 km. Đường đi khá thuận lợi vì thế những ngày cuối tuần rất tiện để du khách đến thăm. Đến chợ phiên Bắc Hà du khách được chìm đắm trong vô vàn sắc màu văn hóa được thể hiện trên trang phục của đồng bào các dân tộc. Sắc màu thổ cẩm thêu hoa như nhắc nhở du khách về những đôi bàn tay tài hoa của người phụ nữ dân tộc.
Đi chợ phiên Bắc Hà nhất định không được để bụng đói. Bởi đây là cái nôi của những nồi thắng cố trứ danh. Thắng cố Bắc Hà nổi tiếng cả xứ Bắc vì thế hãy thưởng thức món ăn ngon này nhé!
Chợ phiên Lũng Vân (Hòa Bình)
Lũng Vân nằm trên độ cao khoảng 1100m so với mặt biển, khí hậu ở đây cũng giống như Sa Pa, mát lạnh quanh năm, nhiệt độ trung bình là 17 độ C. Vì thế, đến Lùng Vân đi chợ phiên du khách còn được thưởng thức thứ khí hậu vô cùng trong lành và sạch sẽ.
Chợ Lung Vân là chợ phiên dành cho đồng bào các dân tộc ở các xã của cả hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa. Chợ nằm trên một quả núi lớn mà đỉnh núi. Chợ Lũng Vân họp phiên ngày thứ ba hàng tuần. Tuy không phải là ngày cuối tuần như các chợ phiên khác nhưng chợ phiên Lũng Vân cũng rất đông đúc và nhộn nhịp.
Chợ phiên Mù Cang Chải (Yên Bái)
Tết ở Tây Bắc nhất định không được bỏ qua chợ phiên Mù Cang Chải ( Yên Bái). Nói đến Mù Cang Chải nhiều du khách sẽ nghĩ ngày đến những mùa vàng, mùa nước đổ đẹp như tranh. Mù Cang Chải còn có những cung đường phượt đầy mạo hiểm hay những chặng bay để ngắm nhìn đất nước từ trên cao vô cùng thú vị và tuyệt mĩ.
Chợ phiên Mù Cang Chải cũng họp vào các ngày cuối tuần. Chợ bán:
– Các sản phẩm nông, lâm sản như: Mật ong, táo mèo, rượu , măng ớt, rau cải, gạo nếp, thảo quả, bí, su su, khoai tây, bánh dày…;
– Các sản phẩm hàng thổ cẩm như: Trang phục các dân tộc Mông, Thái, túi đeo, túi điện thoại…;
– Các sản phẩm nhạc cụ dân tộc của người Mông, Thái như: Khèn Mông, sáo ngang, sáo dọc, pí dân tộc Thái, đàn tính tẩu, đàn môi;
– Các sản phẩm rèn, đúc; sản phẩm đan lát, sản phẩm truyền thống…
Ngày tết ở Tây Bắc, các chợ phiên dường như nhộn nhịp hơn hẳn. Mọi vật được trao đổi mua bán tấp nập khiến nhiều người được sống lại với không khí tết xưa của dân tộc.
Chợ đêm San Thàng (Lai Châu)
Chợ đêm San Thàng là một trong số ít những chợ phiên họp vào ban đêm. Chợ đêm San Thàng nằm ở xã Sàn Thàng, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Đến chợ đếm San Thàng ngày xuân, du khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa ẩm thực của các dân tộc Mông, Dao, Thái… và thưởng thức đêm ca múa nhạc đạm chất nghệ thuật truyền thống mang dấu ấn vùng miền.
2.2. Tết ở Tây Bắc có Lễ hội mùa xuân.
Tết ở Tây Bắc còn có các Lễ hội mùa xuân. Lễ hội mùa xuân là nét văn hóa dân gian không thể thiếu trong ngày tết ở Tây Bắc. Mỗi một dân tộc lại có một lễ hội riêng. Hãy cùng tôi khám phá các lễ hội xuân Tây Bắc đầy ấn tượng sau:
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông.
Tết ở Tây Bắc tham gia Lễ Hội Gầu Tào của dồng bào dân tộc Mông. Đây là lễ hội lớn nhất của người Mông, không chỉ ở Tây Bắc. Vì thế, ngày xuân, người Mông tổ chức Lễ hội Gầu Tào để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. “Gầu Tào” tiếng Mông nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “Hội chơi đồi hay hội, chơi núi mùa xuân”.
Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 2 đến ngày Rằm tháng Giêng hàng năm, tùy vào từng địa phương mà thời gian kéo dài Lễ hội cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Lễ hội Gầu Tào có 2 phần: Phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ rất trang trọng, tôn nghiêm còn phần Hội lại nhộn nhịp vui vẻ với nhiều trò chơi dân gian được tổ chức.
Lễ hội cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao.
Theo Cụ Di sản văn hóa: “Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông ở tất cả các ngành Dao. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.”
Lễ cấp sắc thường tổ chức cho người con trai từ 10 tuổi trở lên. Thời gian để tổ chức Lễ cấp sắc thường vào dịp mùa vụ đã xong xuôi, nhiều gia đình lựa chọn ngày xuân để tổ chức bởi họ tin rằng mùa xuân mang đến những may mắn.
Lễ cấp sắc được tổ chức khá linh đình. Gia chủ tổ chức phải chuẩn bị rất nhiều thứ: lợn, gà, gạo nếp,…. Đây cũng là dịp để anh em họ hàng gặp mặt nhau, ăn cơm uống rượu đầu xuân để gắn chặt tình đoàn kết trong dòng họ, gia đình.
Tết ở Tây Bắc mà thiếu lễ hội cấp sắc của người Dao thì hình như người Dao đón xuân chưa trọn vẹn.
Lễ hội gội đầu của người Thái trắng ở Sơn La, Lai Châu
Tết ở Tây Bắc tham gia Lễ hội gội đầu của người Thái trắng ở Sơn La và Lai Châu để trải nghiệm một không gian văn hóa vô cùng độc đáo khiến du khách mê mẩn không muốn rời đi. Ngày nay, người Thái trắng ở một số địa phương của hai tỉnh Sơn La, Lai Châu cùng gìn giữ Lễ hội gội đầu trước khi ăn tết Nguyên Đán.
Nguồn gốc của Lễ hội này liên quan đến câu chuyện về Nàng Ỏ giả trai đi đánh giặc. Sau khi chiến thắng kẻ thù, trở về bản đúng vào ngày 30 Tết. Nàng cùng quân sỹ và các thiếu nữ đến mạch nước thiêng đầu bản lấy nước gội đầu, tắm gột. Mục đích là để xua đuổi những điều không may mắn, chuẩn bị đón một mùa xuân mới.
Nàng Ỏ gội đầu ở mạch nước thiêng, nhưng sau đó không ai thấy Nàng đâu… Cho rằng Nàng là người trời xuống giúp đỡ dân làng nên từ đó người Thái không gọi tên húy Nàng Ỏ nữa mà gọi là Nàng Han (nghĩa là dũng khí, anh hùng), dân bản lập miếu thờ.
Tục lễ gội đầu trước tết của người Thái trắng hiện nay vẫn được duy trì. Tuy nhiên, ở Quynh Nhai (Sơn La) và Mường So (Lai Châu) thì tục lễ đã trở thành Lễ hội truyền thống được bà con gìn giữ và phát huy.
Lễ hội Then Kin Pang của người Thái trắng ở Lai Châu.
Lễ hội Then Kin Pang được tổ chức vào ngày 8 đến 10/3 Âm lịch hàng năm. Đây là một nét văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng vào dân tộc Thái nói riêng và nhân dân Lai Châu nói chung.
Lễ hội vừa đặc sắc về hình thức tổ chức lại vừa chứa đựng những giá trị cổ truyền. Đồng bào dân tộc Thái trắng rất có ý thức duy trì một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa và gắn kết tình làng nghĩa xóm. Vì thế, đến ngày nay, Lễ hội này vẫn được nhiều người mong đợi và tìm đến.
Theo quan niệm của người Thái, “then” có nghĩa là “tiên”, là “người trời”; “Kin” có nghĩa là “ăn”, “ăn mừng”; Còn “Pang” là “lễ”, “người dự lễ”. Như vậy, Kin Pang Then là lễ hội cúng mừng con nuôi của người Thái trắng được một ông Then trong bản tổ chức hàng năm. Ngoài ra, Kin Pang Then cũng là lễ hội cầu phúc lộc, cầu an cho gia đình và con cháu.
Lễ hội Hoa Ban của người Thái ở Điện Biên
Lễ hội Hoa Ban hay còn gọi là Lễ hội Sên bản, Sên mường là lễ hội cầu mưa, cầu phúc của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5/2 âm lịch hàng năm. Đây là khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ là loài hoa tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.
Dù không được tổ chức vào đúng dịp tết Nguyên Đán nhưng một số lễ hội mùa xuân vẫn rất thu hút khách du lịch đến với vùng đất Tây Bắc xa xôi. Bạn có dự định gì cho mình trong những ngày xuân chưa? Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp cho bạn có chuyến trải nghiệm Tây Bắc nhiều cảm xúc.
Châm Võ