Lễ hội hoa ban được tổ chức vào tháng 3 tại Điện Biên chính là dịp để tôn vinh vẻ đẹp cũng như giá trị của loài hoa này trong đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc tại Tây Bắc. Hãy cùng Tây Bắc TV tìm hiểu về Lễ hội hoa ban để biết thêm về một địa điểm du lịch đặm đà văn hóa vùng cao bạn nhé
Lễ hội hoa ban diễn ra vào thời gian nào?
Tháng Ba, khi tiết trời lạnh giá của mùa Đông dần tan đi, hơi thở ấm áp của mùa Xuân tràn ngập đất trời cũng là lúc hoa ban nở rộ khoe sắc khắp núi rừng Tây Bắc. Hoa nở nhiều nhất ở tỉnh Điện Biên, đặc biệt là các huyện Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông, Tủa Chùa… Đi dọc khắp núi rừng, qua những con đường dẫn vào thành phố Điện Biên Phủ hay những lối nhỏ tới các bản làng, du khách đều có thể bắt gặp những hàng hoa ban đang nở rực, hòa mình giữa ánh nắng hanh hao của đất trời. Từng chùm ban trắng bao phủ cả thung sâu, rồi lại leo vút lên cao bồng bềnh như mây vắt ngang đỉnh núi. Dù mọc trên đồi cỏ khô hay bám vào vách đá cheo leo, loài hoa này vẫn mang trong mình một sức sống mãnh liệt với vẻ đẹp làm mê hoặc lòng người.
Tỉnh Điện Biên chọn ngày 13 tháng 3 hàng năm để khai mạc lễ hội. Sở dĩ, Điện Biên chọn ngày 13.3 hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội Hoa ban vì đây là thời điểm hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc và cũng chính ngày Điện Biên Phủ nổ phát súng đầu tiên khai màn trận đánh (13.3.1954); để tạo nên một Điện Biên Phủ huyền thoại, lừng lẫy năm châu trấn động địa cầu và gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba Võ Nguyên Giáp.
Ý nghĩa của Lễ hội hoa ban là gì?
Lễ hội Hoa Ban thể hiện nét văn hóa tâm linh trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái với tâm nguyện thỉnh bái “Then” – vị thần tối cao trong hàng ngũ thánh thần theo quan niệm của người Thái; thỉnh bái “nàng Ban” – một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung; thỉnh bái ma trời, ma mường, ma núi, ma sông… phù hộ cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa, kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và phù hộ cho cuộc sống của dân bản luôn đầm ấm, yên vui.
Sự tích về hoa Ban gắn liền với chuyện tình bi thương nhưng sâu nặng trong câu chuyện cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường –vừa lười vừa xấu.
Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng.
Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…
Từ đó, cứ mỗi khi cái giá lạnh của màu đông qua đi, nhường chỗ cho không khí mùa xuân ấm áp, những cánh ban bung nở trắng núi rừng nam nữ thanh niên trong các bản mường lại rủ nhau đi hội chơi núi, hái hoa mừng xuân. Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát, đánh đàn tính, thổi kèn, múa xoè, gửi trao những lời yêu.
Những hoạt động hấp dẫn nào sẽ diễn ra tại Lễ hội hoa ban?
Bắt nguồn từ xa xưa trong đời sống tinh thần của người Thái Tây Bắc nhưng Lễ hội hoa ban chính thức được phục dựng bài bẳn và quy mô từ năm 2014 đã và đang trở thành hoạt động văn hóa, du lịch được mong đợi nhất tại Điện Biên hằng năm.
Đến với Lễ hội hoa ban Điện Biên, bạn không chỉ được hòa mình vào không khí lễ hội đạm sắc màu văn hóa Tây Bắc mà còn có dịp chiêm ngưỡng, trải nghiệm nhiều danh thắng, ẩm thực đặc sắc nơi đây như: Suối khoáng nóng Uva, Pe Luông, động Pa Thơm, hồ Pá Khoang và một số điểm di tích gắn với tín ngưỡng, tâm linh như di tích lịch sử Mường Phăng, đền thờ Hoàng Công Chất, điểm văn hóa Linh Sơn, khu văn hóa tâm linh Linh Quang…
Đặc biệt, Điện Biên còn được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến với di tích chiến trường Điện Biên Phủ – nơi ghi dấu chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Lễ hội Hoa ban không chỉ là niềm tự hào của đồng bào của 19 dân tộc anh, em tỉnh Điện Biên mà còn là đặc trưng văn hóa của không gian Tây Bắc. Năm 2023, Lễ hội Hoa Ban sẽ diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5-2023, trong đó, các hoạt động trọng điểm diễn ra từ ngày 10 đến ngày 13-3-2023 tại thành phố Điện Biên Phủ. Lễ hội Hoa Ban 2023 và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Điện Biên lần thứ VII khai mạc tối 11-3-2023 với chương trình nghệ thuật đặc sắc và màn bắn pháo hoa rực rỡ.
Các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa ban gồm: Liên hoan dân ca, dân vũ, dân nhạc; hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao; diễu hành đường phố chủ đề “Đêm hội Hoa Ban”; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch; giới thiệu không gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; tổ chức các chương trình văn nghệ, trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái; Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban…
Lễ hội hoa ban là dịp để tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên; quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và những tiềm năng du lịch của Điện Biên nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung tới đông đảo người dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế.
Trên đây, Tây Bắc TV đã giới thiệu tới bạn Lễ hội hoa Ban Điện Biên, hi vọng bạn đã có thêm cho mình một điểm đến thú vị để khám phá mảnh đất và con người Điện Biên, cũng là có thêm một góc nhìn thú vị về một không gian vô cùng độc đáo trong vùng văn hóa Tây Bắc.