Âm nhạc Tây Bắc – món ăn tinh thần gắn với phát triển du lịch Tây Bắc.

Âm nhạc là món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của nhân loại. Âm nhạc Tây Bắc trong dòng chảy của nghệ thuật đã khẳng định được vai trò của mình. Đặc biệt trong việc gắn kết cộng đồng và phát triển du lịch.

Tây Bắc ở đâu?

Tây Bắc bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai, Yên Bái. Các tỉnh này đều có chung đường biên giới với Trung Quốc và Lào, nằm ở khu vực phía tây của miền bắc Việt Nam. Dân cư sinh sống ở Tây Bắc gồm có các dân tộc Thái, Dao, Mông, Khơ Mú, Kinh…. Chính sự đa dạng về dân tộc đã tạo nên tính phong phú của âm nhạc Tây Bắc.

Đặc trưng của âm nhạc Tây Bắc.

Khái niệm âm nhạc Tây Bắc có thể hiểu là đời sống văn hóa, âm nhạc của đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc. Nhìn từ phương diện này để thấy âm nhạc ở Tây Bắc có đặc trưng, đời sống riêng trong dòng chảy âm nhạc đương đại nói chung.

Đặc trưng cơ bản nhất của âm nhạc Tây Bắc là nhạc cụ, dân ca – dân vũ và các ca khúc đương đại.  Mỗi một loại hình âm nhạc có một chức năng, nhiệm vụ riêng nhưng đều chuyên chở tư tưởng, tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của con người.

Nhạc cụ dân tộc trong âm nhạc Tây Bắc.

Đồng bào các dân tộc ở Tây Bắc thường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vì thế, nhạc cụ dân tộc là yếu tố tạo nên linh hồn cho các hoạt động ấy. Các dân tộc đều có những nhạc cụ chung như trống hoặc chiêng. Tuy nhiên, cách sử dụng cũng như loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc lại tạo ra sự khác biệt. Nhạc cụ dân tộc Thái có 3 bộ chính là các loại Pí, khèn bè; bộ dây và bộ gõ. Nhạc cụ chủ đạo của người Mông là Sáo, khèn, kèn lá, kèn môi. Còn người Dao lại dùng bộ gõ và khèn….

Những nhạc cụ này được dùng ở hai hình thức: hoạt động sinh hoạt cộng đồng và tâm linh (làm Lễ). Mỗi hình thức đều có quy định riêng cho từng loại nhạc cụ.

Dân ca – Âm nhạc cổ truyền Tây Bắc.

Dân ca là âm nhạc cổ truyền được các dân tộc lưu giữ từ ngàn đời. Ngoài sinh hoạt văn hóa cộng đồng, dân ca được sử dụng nhiều trong các lễ hội đầu xuân. Mỗi dân tộc khác nhau sẽ có làn điệu dân ca khác nhau. Như: sẩm chợ “Ngược đời” của người Thái, tiếng hát tình yêu, cưới xin, làm dâu, mồ côi, cúng ma của người Mông, dân ca Tơm của người Khơ Mú, hát Páo Dung của người Dao… là những yêu thương, hờn giận, trách móc, biết ơn, thành kính của con người được gửi gắm vào lời ca tiếng hát.

Dân vũ.

Âm nhạc Tây Bắc sẽ thiếu nếu không nhắc tới dân vũ. Đây là loại hình văn hóa độc đáo và thể hiện rõ nhất đặc trưng của các dân tộc. Điệu xòe Thái, điệu “khắp” Thái, điệu Đan Mường của người Thái; múa chuông dân tộc Dao; múa khèn dân tộc Mông…vẫn là những ấn tượng khó quên nhất với mỗi người khi được trải nghiệm hoạt động này đầu xuân. Đây cũng là những di sản văn hóa phi vật thể đang được bảo tồn và phát huy để làm phong phú hơn bản sắc văn hóa của các dân tộc.

Những ca khúc bất hủ về Tây Bắc.

Sức sống của âm nhạc Tây Bắc không chỉ gói gọn trong văn hóa dân gian. Những ca khúc về Tây Bắc vẫn luôn có vị trí đứng trong lòng người yêu nhạc.

Ca khúc “Trước ngày hội bắn” của nhạc sĩ Trịnh Quý là một ví dụ. Đây là lời ước hẹn của đôi trai gái yêu nhau trước khi bước vào ngày hội lớn. Giai điệu nhộn nhịp, vui tươi nhưng không thiếu sự tha thiết. Ca từ kết hợp với âm nhạc đã khiến người nghe phải thổn thức theo chân chàng trai, cô gái.

“Phiên chợ ngày xuân” của nhạc sĩ Nguyễn Tiến mang đậm bản sắc dân tộc. Tiếng sáo réo rắt như lời thúc giục chàng trai, cô gái trẻ xuống núi hò hẹn.

“Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời”, “Tình ca Tây Bắc” là những tuyệt phẩm về vùng đất linh thiêng. Hãy đến, hãy yêu cùng với con người, thiên nhiên vùng cao bạn nhé!

Dù chủ đề khác nhau nhưng các ca khúc viết về Tây Bắc đều làm nổi bật được vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ mà nên thơ của Tây Bắc. Hình ảnh con người cần cù, chịu thương, chịu khó, xinh đẹp trong lao động, trong tình yêu cũng được các nhạc sĩ thể hiện một cách xuất sắc trong các nhạc phẩm khiến người nghe cảm thấy Tây Bặc thật xa nhưng cũng rất gần ở trong tim.

Âm nhạc Tây Bắc và du lịch.

Âm nhạc Tây Bắc là sợi dây gắn kết tinh thần dân tộc và đang có những đóng góp cho hoạt động quảng bá du lịch ở nhiều địa phương.

Bạn có muốn đến Tây Bắc để trải nghiệm không gian mờ sương khói trên đỉnh Phan Si Păng với những vũ điệu giữa lưng trời? Một không gian văn hóa đậm chất của người Thái ở Sơn La, Điện Biên. Hay chuỗi hoạt động văn hóa của người Mường ở Hòa Bình…Về Lai Châu để khám phá văn hóa các dân tộc qua Lễ hội Nàng Han (Phong Thổ, Lai Châu), Lễ hội Nhảy lửa của người Dao đỏ, Lễ hội gầu Tào của người Mông…

Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy đến với chúng tôi, bạn sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa âm nhạc độc đáo, ấn tượng nhất.

 

Châm Võ

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *