Bánh dày – 01 món ăn mang linh hồn của ẩm thực dân tộc Mông./ Tây Bắc TV

Bánh dày – món ăn quen thuộc của khá nhiều dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Vùng cao Tây Bắc không chỉ có núi non hùng vĩ mà còn có những nét văn hóa đa dạng của nhiều dân tộc anh em. Trong đó dân tộc Mông Tây Bắc vẫn giữ vẹn nguyên những nét văn hóa truyền thống. Không chỉ phong tục, sinh hoạt mà ẩm thực của họ cũng rất độc đáo. Bánh dày được coi là linh hồn của ẩm thực dân tộc Mông nơi đây.

  1. Ý nghĩa món bánh dày trong văn hóa dân tộc Mông.

Nếu có dịp đến với vùng cao Tây Bắc bạn sẽ ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp hoang sơ, bình dị nơi đây. Chẳng những thể Tây Bắc còn là địa bàn sinh sống của rất đông các dân tộc anh em trong đó có dân tộc Mông. Bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm sinh hoạt của đồng bào dân tộc Mông Tây Bắc và những món ăn mang đậm nét văn hóa truyền thống của họ.

bánh dày
Bánh dày được bán ở các phiên chợ vùng cao.

Đến với những lễ hội đặc sắc, các phiên chợ vùng cao Tây Bắc như Bắc Hà, Mù Cang Chải, Tam Đường… du khách được trải nghiệm các món ăn dân tộc đặc sắc. Trong đó không thể thiếu món bánh dày người Mông được bày trên những mẹt tre.

Nếu trong văn hóa người Kinh, bánh chưng đại diện cho đất vuông, bánh dày là trời tròn. Thì với người Mông món bánh này đại diện cho sự chung thủy trong tình yêu. Chẳng những thế bánh dày còn là đại diện cho Mặt trăng và mặt trời. Họ coi đó là nguồn gốc của mọi sự sống.

  1. Sự tích về bánh dày của người Mông.

Bánh dày người Mông có sự tích rất xa xưa. Những người già trong các bản làng người mông thường kể lại sự tích này cho con cháu.

Tích kể: Ngày xưa, có một chàng trai Mông tên Nù Plai. Chàng bị thần Hổ bắt mất cô người yêu xinh đẹp ở cùng bản. Nù Plai rất buồn. Chàng chìm trong đau khổ đến quên cả ăn uống, nghỉ ngơi. Thế rồi Plai quyết tìm gặp thần để đòi người yêu về. Trên con đường núi quanh co, hiểm trở, chàng phải vượt bao khó khăn để tìm nàng.

Plai nghĩ cách mang theo lương thực bằng việc dung gạo nếp nấu lên và làm thành bánh tròn. Đây chính là chiếc bánh dày người Mông ngày nay. Cuối cùng,  thần Hổ đã cảm động trước sự chân thành và tình yêu của Plai nên đã trả cô gái lại cho chàng. Hai người sống hạnh phúc bên nhau mãi.

Chiếc bánh từ đó là đại diện, minh chứng cho sự thủy chung trong tình yêu của các chàng trai, cô gái người Mông. Nó đã trở thành món ăn linh hồn trong ẩm thực, là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa dân tộc Mông.

  1. Hoạt động giã bánh dày truyền thống.

Mỗi dịp lễ hội hay dịp Tết người Mông đều tổ chức hội thi giã bánh dày. Hoạt động này đã trở thành hoạt động thường niên không thể thiếu đối với văn hóa dân tộc đồng bào Mông.

Ngày nay hoạt động giã bánh không còn là hoạt động gói gọn trong mỗi gia đình mà nó được phát triển thành các hội thi giã bánh giữa bản làng. Hoạt động vui tươi, sôi nổi trong dịp Tết đến, xuân về.

bánh dày
Bánh dày vừa giã được chị em phụ nữ khéo léo nặn thành hình.

Món ăn này được coi là linh hồn của ẩm thực người Mông.  Đối họ và nhất là phái nữ khi chuẩn bị lễ cúng trong nhà vào các dịp lễ hay Tết đều không thể thiếu bánh dày.

Họ thường làm những chiếc bánh dày rất to và  để trên mâm hoặc mẹt tre dâng lên tổ tiên.

  1. Cách chế biến món bánh dày

“Pé -Plẩu” là tên gọi của bánh dày trong tiếng Mông.  Để có chiếc bánh dày ngon phải chuẩn bị chu đáo từ việc chọn cối.

Cối giã bánh dày sẽ được làm từ thân một cây gỗ lớn, thớ gỗ mịn, chắc và phải có mùi thơm. Sau khi đã chọn được cây gỗ phù hợp đồng bào sẽ mang đi khoét rỗng phần thân cây này để tạo thành cối. Chày dung để giã cũng phải làm từ loại cây gỗ cứng, nặng để khi giã sẽ chắc và đầm tay hơn.

Nguyên liệu làm bánh dày gồm gạo nếp, vừng rang, trứng gà luộc chín. Phần lòng đỏ trứng gà đã luộc được tán ra để xoa đều dụng cụ cho khỏi dính bánh. Đặc biệt nguyên liệu quan trọng nhất là gạo nếp. Gạo phải là loại nếp nương đặc biệt dẻo, thơm.

Khâu đầu tiên ta phải ngâm gạo kĩ trong khoảng 20 đến 24 tiếng ( ngâm cả một ngày).Ngày hôm sau mang phần gạo đã ngâm ra đồ trên chõ cho chín. Khi đồ côi phải chú ý để lửa nhỏ đều. Đồ kĩ trong khoảng một tiếng là đạt. Xôi phải mềm, dẻo, chín tới.

bánh dày
Nguyên liệu quan trọng nhất là xôi nếp nương

Xôi sau khi đồ chín phải nhanh chóng đổ vào cối chuẩn bị trước để giã. Phải giã khi còn nóng hổi thì mới thành bánh. Khâu giã ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng thành phẩm. Cần chọn những thanh niên nam giới khỏe mạnh, lực tay tốt. Xôi giã càng kĩ thì bánh dày làm ra càng ngon, dẻo và bảo quản được lâu.

Sau khâu giã là phần việc của chị em phụ nữ. Phải nhanh tay nặn ngay nếu để lâu bánh nguội sẽ không thể nặn được.  Bánh nặn xong đem gói bằng lá chuối đã được hơ lửa.

  1. Cách thưởng thức món bánh dày người Mông.

Bánh dày của người Mông có thể thưởng thức ngay khi vừa làm xong. Chiếc bánh nóng hổi, dẻo, dai thơm mùi nếp.

bánh dày
Những chiếc bánh thơm, ngon.

Bánh có thể bảo quản được khá lâu tại điều kiện thường. Bánh khi nguội khá cứng. Khi ăn ta có thể nướng lại trên than hồng hoặc rán vàng. Những miếng bánh phồng, dẻo cực ngon miệng. Ăn bánh dày cùng với mật mía hay mật ong là cách ăn phổ biến của đồng bào.

Lời kết

Bánh dày không phải chỉ người Mông mới có. Thế nhưng bánh dày người Mông của vùng cao Tây Bắc có hương vị rất đặc biệt, khác với bánh dày của các dân tộc khác. Nếu đến Tây Bắc, bạn nhớ tìm mua và thưởng thức món ăn vô cùng đặc biệt này nhé. Tây Bắc TV chúc bạn có trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời.

  • Quyên Hoàng –

 

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *