Cao nguyên Sìn Hồ là vùng cao của huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Nơi đây, khí hậu trong lành mát mẻ, con người thân thiện, là điểm đến lí tưởng cho du khách vào ngày hè. 

Cao nguyên Sìn Hồ ở đâu?

Cao nguyên sìn Hồ cách thành phố Lai Châu 60km về phía Tây theo đường quốc lộ 129. Sìn Hồ là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu có lợi thế về địa hình và văn hóa để phát triển du lịch.

Về mặt địa lý, Bắc Sìn Hồ giáp Vân Nam (Trung Quốc), Đông giáp huyện Phong Thổ, Nam giáp huyện Tủa Chùa (Điện Biên) và Tây giáp huyện Mường Tè.

Huyện Sìn Hồ có 56.000 cư dân gồm 15 dân tộc cùng chung sống trên diện tích 1.746km². Tuy nhiên, cao nguyên Sìn Hồ được biết đến là khu vực dân cư đông đúc hơn hẳn do có thị trấn.

Phân chia theo khu vực kinh tế thì huyện Sìn Hô được chia làm 3 vùng: vùng cao (tức cao nguyên Sìn Hồ), vùng thấp và vùng dọc sông Nậm Na. 3 vùng này có khí hậu hoàn toàn khác nhau. Vì thế, muốn đến cao nguyên Sìn Hồ để tận hưởng thiên nhiên mát mẻ, trong lành thì bạn nhớ chọn đúng đường đi nhé!

Đặc điểm khí hậu cao nguyên Sìn Hồ

Cao nguyên Sìn Hồ nằm ở độ cao 1800m so với mặt nước biển. Vì thế, thiên nhiên ở đây rất đặc biệt. Mùa đông, Sìn Hồ chìm trong băng giá và sương lạnh nhưng màu hè lại vô cùng mát mẻ.

Sìn Hồ mang vẻ đẹp riêng theo mùa. Và nếu, bạn muốn trải nghiệm cái lạnh băng giá thì có thể đến Sìn Hồ và mùa đông. Chắc chắn bạn sẽ thích thú khi được tận hưởng cái lạnh cứng người, sương băng giá thậm chí có thời điểm còn có tuyết rơi như ở Châu Âu.

Còn những ngày hè nóng nực của miền Bắc thì đến với Sìn Hồ là lựa chọn lí tưởng nhất. Đặc biệt là những ngày tháng 6 khi mùa mưa chưa đến, trái cây bắt đầu chín. Buổi sáng sớm, chiều tối ở Sìn Hồ còn phải khoác áo mỏng khi ra đường thì ban ngày nhiệt độ ở đây chỉ khoảng 25 độ C. Khí hậu mát mẻ, trong lành, hoa trái tự nhiên khiến bạn cảm thấy chuyến đi của mình càng thêm thích thú.

Đến cao nguyên Sìn Hồ trải nghiệm văn hóa, du lịch

Là vùng đất được thiên nhiên ưu ái, Sìn Hồ được biết đến có nhiều cảnh quan hấp dẫn. Đặc biệt với gần 20 dân tộc cùng sinh sống, bạn sẽ được trải nghiệm văn hóa truyền thống của các dân tộc nơi đây. Và sau đây là những gợi ý:

Đến cao nguyên Sìn Hồ trải nghiệm những cung đường trong mây

Cao nguyên Sìn Hồ nằm trên cung đường từ thành phố Lai Châu đến Điện Biên. Vì thế, di chuyển từ hướng Điện Biên sang hay từ thành phố Lai Châu vào bạn đều có cơ hội để trải nghiệm những cung đường trong mây.

Cung đường từ thành phố Lai Châu và Sìn Hồ khá dễ đi vì đường rất đẹp. Một số địa điểm bạn có thể dừng lại để chek in là đỉnh đèo Can Tỷ, Hồng Thu, KM số 9, ngã ba Séo Lèng… Những địa điểm ấy bạn sẽ được ngắm biển mây bồng bềnh đẹp như tiên cảnh hay trải nghiệm đặc sản Lai Châu tại chợ tạm ngã ba Séo Lèng.

Nếu lựa chọn cung đường từ Điện Biên đến Sìn Hồ thì có vô số điểm để bạn dừng chân. Đoạn đường từ Chăn Nưa về Sìn Hồ thì thực sự là con đường trong mây. Những ngày hè, mây là là mặt đất, trắng bồng bềnh ở trên cao khi nắng lên. Đặc biệt là ở Làng Mô, biển mây ấy khiến bạn không thể nào quên được nếu một lần được nhìn thấy.

Cao nguyên Sìn Hồ
Biển mây Làng Mô (Ảnh báo Dân Việt)

Đến cao nguyên Sìn Hồ thăm di tích lịch sử đền Lê Lợi

Đền thờ Vua Lê Thái Tổ và bia Vua Lê Thái Tổ (Vua Lê Lợi) nằm cách thị trấn Sìn Hồ 60km, thuộc địa phận xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu.

Đền thờ được dựng lên nhằm tưởng nhớ công lao của Vua Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn ở vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể đền thờ còn có một di tích quý báu đó là di tích bia Lê Lợi.

Tháng Chạp năm Tân Hợi (1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại bút tích cho muôn đời sau “Bia cổ hoài lai.”

Văn bia ghi lại sự kiện lịch sử vua Lê Lợi thân chinh chỉ huy các đạo quân dẹp phản loạn ở vùng Tây Bắc. Đó là năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn (còn gọi là Kha Lại), quấy nhiễu nhân dân nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay là vùng Thuận Châu, Sơn La).

Tháng Chạp năm Tân Hợi 1431, sau khi bình định vùng Tây Bắc, trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn (hiện nay), để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này.

Đến cao nguyên Sìn Hồ thăm đền vua Lê Lợi
Đến cao nguyên Sìn Hồ thăm đền vua Lê Lợi

Năm 2005, Nhà máy thủy điện Sơn La khởi công, để tránh bị ngập nước, phần bút tích văn bia của vua Lê Lợi đã được di dời. Năm 2012, bia Lê Lợi được di dời khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ đến khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ cách vị trí cũ 500m.

Di tích Bia Lê Lợi đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

Biển mây Làng Mô địa điểm check in lí tưởng khi đến cao nguyên Sìn Hồ

Biên mây Làng Mô thuộc địa phận xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Trên cung đường từ Điện Biên đến Sìn Hồ, bạn sẽ được lạc vào thiên đường mây tại bản Làng Mô.

Với độ cao trên 1800m so với mực nước biển, biên mây ở Làng Mô bồng bềnh quanh năm khắp các đỉnh núi từ phía Tả Ngào, tràn về Chăn Nưa. Vì thế, đứng ở bản Làng Mô ngắm mây bạn sẽ không thể tìm thấy điểm cuối cùng của biển mây.

Điểm đặc biệt là mây ở đây rất đặc và nhiều, những ngày nắng, mây dễ tan nhưng mây trắng bồng bềnh như lạc vào cõi hư không. Còn đối với những ngày mù mây nhiều nhưng đặc dường như bị sương đè xuống khiến cho cảm giác mây không di chuyển.

Đứng giữa thiên đường mây Làng Mô, bạn sẽ có cảm giác yên bình, nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Vì thế đến cao nguyên Sìn Hồ bạn không nên bỏ lỡ cơ hội này.

Biển mây ở Cao nguyên Sìn Hồ
Biển mây ở Cao nguyên Sìn Hồ

Thăm núi Đá Ô trên cao nguyên Sìn Hồ

Núi Đá Ô Sìn Hồ là địa điểm du lịch tâm linh đặc biệt ở vùng đất này. Vì thế, đến cao nguyên Sìn Hồ bạn không nên bỏ qua địa điểm này.

Sự tích núi Đá Ô:

Sự tích về núi Đá ô được người Dao ở Tả Phìn kể lại rắng:  Ngày xa xưa có một ông Tiên xuống trần gian du ngoạn. Từ trên trời, ông bay xuống đỉnh núi San Ta Ngai là đỉnh núi cao nhất ở vùng cao nguyên Sìn Hồ.

Đứng trên núi, ông nhìn được rất xa, quan sát hết lượt, ông thấy ở phía Nam có một bãi bằng. Ông Tiên quyết định tới đó để tham quan nhưng không biết đi đường nào vì bốn phía là núi non trùng điệp, vách đá cheo leo. Suy nghĩ một lát rồi ông quyết định mở lối đi.

Với sức mạnh và phép thuật của mình, ông xẻ vách đá trước mặt làm đôi tạo ra khoảng trống để đi qua, khoảng trống đó là cánh cổng vào bản Sang Ta Ngai bây giờ. Ông Tiên tiếp tục đi về phía Tây Nam qua núi Ngọc rồi qua khe sâu về tới bãi bằng đó là bản Tả Phìn.

Dân bản được biết có ông Tiên đến thăm thì rất mừng nên tổ chức mở tiệc liên hoan, múa hát để chào đón ông Tiên, cuộc vui kéo dài 7 ngày 7 đêm. Lần đầu tiên xuống trần gian ông Tiên được thưởng thức các món ngon vật lạ và được xem các tiết mục múa hát của dân bản nên ông say xưa theo dõi.

Đến ngày thứ 7, ông sực nhớ ra đã đến ngày mình phải trở về tiên giới. Ông vội vàng chào bà con rồi bay lên trời, do vội vã lên đường nên ông Tiên đã bỏ quên cái ô đang cắm giữa bản để che mưa, che nắng lúc xem hội, lâu ngày cái ô hóa đá. Từ đó người dân Tả Phìn coi ô đá là nơi linh thiêng và trở thành nơi thờ cúng.

Ý nghĩa núi Đá Ô:

Cho đến bây giờ, vào các dịp lễ, tết, người Dao Khâu, người Mông đen ở xã Tả Phìn và các xã lân cận hàng năm có tục lệ đến núi đá Ô vui chơi và thắp hương cầu mong cho gia đình con cái được khỏe mạnh, người ốm sớm bình phục.

Trải nghiệm thiên nhiên Lao Lử Đề khi đến cao nguyên Sìn Hồ

Lao Lử Đề là bản thuộc xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Bản Lao Lử Đề nằm giữa khí hậu vùng cao mát lạnh và vùng thấp nhiệt đới ẩm vì thế khi đến đấy bạn sẽ có cảm giác thích thú khi được hòa mình vào thiên nhiên, suối nước mát trong lành mà không lo bị lạnh như ỏ vùng cao.

Suối nước Lao Lử Đề được nhiều người biết đến khoảng từ 2017. Khi ấy, suối còn rất hoang sơ, là địa điểm picnic mê hoặc lòng người. Với những cây cổ thụ xanh mát của rừng già Tả Ngảo, suối nước trong veo, cua cá tung tăng phía dưới, vì thế, đến Lao Lử Đề là cách thanh lọc tâm hồn nhanh nhất.

Sóng điện thoại ở đây rất khó để bắt vì vậy rất thích hợp để ngắt sóng để kết nối với nhau.

Suối Lao Lử Đề ở Cao nguyên Sìn Hồ
Suối Lao Lử Đề ở Cao nguyên Sìn Hồ

Chợ phiên Sìn Hồ là một phiên chợ đầy màu sắc, không chỉ của hàng hóa mà còn là sắc màu trang phục của các dân tộc bản địa nơi đây từ Mông đen đến Mông hoa, từ Dao trắng đến Dao đỏ… trong điệu kèn lá du dương mang những tín hiệu yêu đương đầy ắp của những chàng trai trẻ. Nếu có dịp đến Sìn Hồ, bạn hãy cố gắng sắp xếp thời gian để dự phiên chợ, hòa mình với những nét văn hóa của người vùng cao.

Chợ phiên cao nguyên Sìn Hồ
Chợ phiên cao nguyên Sìn Hồ

Sìn Hồ càng đẹp hơn mỗi khi có phiên chợ họp vào hai ngày cuối tuần. Chợ bắt đầu vào sáng thứ bảy nhưng lúc này chợ chủ yếu thu hút người bản địa sống quanh thị trấn đến chợ giao thương. Ngày chủ nhật là phiên chính nên rất đông vui nhộn nhịp. Bởi người dân từ các thôn bản xa xôi đổ về với đủ các sắc màu dân tộc.

Là chợ sầm uất nhất vùng, có trung tâm bán buôn, bán lẻ với đủ thứ hàng tiêu dùng từ thực phẩm cho tới đồ điện tử, công nghệ cao… cùng các sản phẩm, sản vật của người dân địa phương mang ra bày bán…

Quy mô chợ Sìn Hồ không lớn nhưng, việc bán mua dường như chỉ là cái cớ để người dân đi chơi chợ. Người ta đến chợ để được cùng nhau rôm rả trong những hàng ăn đặc sản như thịt trâu, dê núi, lợn bản… và đông nhất là bên chảo thắng cố…Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước, đâu đó lại vang lên một bài dân ca Mông dập dìu khiến ai cũng thấy say lòng.

Đến cao nguyên Sìn Hồ ăn nghỉ ở đâu?

Đến cao nguyên Sìn Hồ không khó để tìm chỗ ăn, chỗ ở. Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ như sau:

Nhà nghỉ, khách sạn:

  • Nhà nghỉ Hồng Hoa, Khu 3 thị trấn Sìn Hồ, Lai Châu
  • Khách sạn Thanh Bình, khu 5 thị trấn Sìn Hồ, Lai Châu
  • Nhà nghỉ Duyên Hải, khu 4 thị trấn Sìn Hồ, Lai Châu
  • Nhà nghỉ Phúc Thọ, khu 4 thị trấn Sìn Hồ, Lai Châu

Giá các nhà nghỉ, khách sạn dao động từ 250.000 đồng – 350.000/ ngày đêm

Nhà hàng, quán ăn

  • Khách sạn Thanh Bình vừa phục vụ chỗ ăn chỗ nghỉ, có bãi dỗd xe rộng rãi, giá cả hợp lí. Phục vụ món ăn theo nhu cầu.
  • Nhà hàng Hải Ấn ở khu 5, thị trấn Sìn Hồ. Đặc đánh giá là nhà hàng có nhiều món ăn ngon, độc, lạ. Giá cả cao hơn so với những quán ăn khác nhưng đồ ăn đều tươi, ngon.
  • Bờ Hồ Quán, quán ăn bình dân với nhiều món ăn dân tộc, giá cả hợp lí, không gian rộng rãi.
  • Quán ăn Tính Oanh, khu 2 thị trấn Sìn Hồ là quán ăn bình dân, nấu ăn theo như cầu khi khách đến.

Bạn đã sẵn sàng để đến cao nguyên Sìn Hồ chưa? Hãy để Tây Bắc TV đồng hành cùng bạn nhé!

Châm Võ

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *