Chinh phục đỉnh Khang Su Văn – nóc nhà biên giới Việt Nam. | Tây Bắc TV

Khang Su Văn được mệnh là nóc nhà biên giới của Việt Nam. Hôm nay, Tây Bắc TV sẽ chia sẻ với bạn hành trình chinh phục đỉnh Khang Su Văn nhé!

Đôi nét về Đỉnh Khang Su Văn – nóc nhà biên giới của Việt Nam.

Đỉnh núi Khang Su Văn còn có tên gọi là U Thái San hay Phàn Liên San. Khang Su Văn nằm ở bản Pa Vây Sử, xã Dào San, huyện Phong Thổ của tỉnh Lai Châu. Với độ cao 3.012m, Khang Su Văn là ngọn núi cao thứ 5 trong top 10 ngọn núi cao nhất của Việt Nam.

Khang Su Văn là ranh giới tự nhiên của Việt Nam và Trung Quốc.  Đỉnh núi có cột mốc 79 vô cùng thiêng liêng nằm ở độ cao 2880m. Với cư dân bản địa sinh sống nơi đây cùng với thành lũy tự nhiên, Khang Su Văn đang ngày đêm bảo vệ cho biên giới nước Việt.

Đỉnh Khang Su Văn - nóc nhà biên giới Việt Nam
Đỉnh Khang Su Văn – nóc nhà biên giới Việt Nam

Giống như bao vùng đất của Tây Bắc, bốn mùa ở Khang Su Văn đều mang một vẻ đẹp riêng, độc đáo. Từ tháng 2 đến tháng 4, bạn sẽ được ngắm nhìn mùa hoa mận, hoa đào và hoa ban khoe sắc. Từ tháng 4 đến tháng 5 có hoa đỗ quyên rực rỡ. Tháng 9 đến tháng 10, dành cho những ai muốn săn mây. Tháng 12 đến tháng 01 là thời điểm lý tưởng nếu bạn muốn gặp cảnh tuyết rơi; những con suối đóng băng, một cảnh rất hiếm gặp ở Việt Nam.

Hành trình chinh phục Khang Su Văn 3 ngày 2 đêm

Thông thường sẽ có 2 cách để di chuyển đến Khang Su Văn. Đó là từ Lai Châu di chuyển đến Pa Vây Sử (khoảng cách: 70km, thời gian đi lại: 02 tiếng). Thứ hai là từ Sapa di chuyển đến Pa Vây Sử (khoảng cách: 140km, thời gian đi lại: 04 tiếng).

Sau đây là gợi ý về hành trình chinh phúc Khang Su Văn xuất phát từ Sapa.

Ngày 1: Hà Nội – Sapa – Dào San – Pa Vây Sử – Điểm hạ trại.

Bạn có thể lựa chọn đi xe khách đêm, có mặt tại Sapa lúc 4-5h sáng. Khoảng 10h sáng, các bạn bắt đầu xuất phát tại điểm hẹn của đoàn và porter.

Xuất phát hành trình, chặng đường đầu tiên sẽ băng qua những cánh rừng thảo quả bạt ngàn mà thơm dịu. Đến trưa, dùng lại nghỉ ngơi và ăn trưa với những món đơn giản như cơm , xôi, muối vừng, hoa quả. Tiếp tục lên đường, các bạn sẽ cảm nhận không khí càng lạnh và nhiều sương mù. Bạn sẽ được tận hưởng ngắm nhìn thác nước cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa và say mê trước hoa đỗ quyên nở rộ hay khu rừng lá phong đỏ ngợp trời.

Đến độ cao 2.600m, là điểm dựng lều, hạ trại và chuẩn bị bữa tối. Trải nghiệm qua đêm giữa núi rừng Tây Bắc sẽ là một trại nghiệm rất khó quên.

Ngày 2: Điểm hạ trại – Cột mốc 79 – Đỉnh Khang Su Văn – Điểm hạ trại.

Sau khi ăn sáng xong, mọi người tiếp tục lên đường. Ngày thứ hai sẽ là một ngày khá thử thách. Với đoạn cuối phải vượt qua những con dốc dựng đứng. Sau khoảng một tiếng, bạn sẽ có mặt tại cột mốc 79 nằm ở độ cao 2.880m. Với độ cao này, cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất của Việt Nam. Đến đây, ai cũng sẽ rất tự hào về cột mốc trấn giữ trên bức tường thành biên giới tự nhiên Khang Su Văn này.

Tiếp tục di chuyển lên đỉnh Khang Su Văn, dù không còn xa nhưng phải mất gần 2 tiếng để chinh phục được đỉnh. Đường đi bị chắn lối bởi những gốc cổ thụ nằm ngang. Khi lên tới đỉnh, các bạn sẽ cảm nhận được cảm xúc vỡ òa, hạnh phúc và tự hào lắm. Hãy tận hưởng trọn vẹn từng giây phút ở đó và ngắm nhìn vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng nơi đây.  Đến chiều tối, đoàn sẽ hạ trại ở giữa khu rừng thảo quả.

Ngày 3: Điểm hạ trại rừng thảo quả – Sapa.

Bạn hãy cố gắng dạy sớm để ngắm bình minh và tận hưởng không khí trong lành, yên bình của núi rừng. Ăn sáng xong, bạn và đoàn sẽ tiếp tục di chuyển xuống điểm tập trung ban đầu để quay trở về Sapa.

Một số lưu ý trong hành trình chinh phục đỉnh Khang Su Văn.

Tìm hiểu kỹ các thông tin về chuyến đi.

Để chuyến đi thuận lợi, bạn nên tìm hiểu thật kỹ hành trình đi của mình. Lựa chọn thời gian đi hợp lý, khi thời tiết không quá lạnh, không mưa. Trước 7-10 ngày đi, theo dõi thời tiết liên tục.

Tìm hiểu chi tiết các điểm di chuyển đến bản Pả Vây Sử, điểm dừng nghỉ trong hành trình, đồ đạc cần chuẩn bị, điểm lưu ý khi leo núi. Bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm. Và để an toàn, bạn có thể đặt các tour trekking có uy tín.

Chuẩn bị thể lực thật tốt.

Cung đường chinh phục đỉnh Khang Su Văn không hề dễ, đặc biệt đối với người mới. Bên cạnh đó, quãng đường di chuyển đến điểm xuất phát leo núi cũng rất xa, khó đi, không thuận tiện đi lại. Điều đó, yêu cầu bạn phải có thể lực rất tốt, bền bỉ để đảm bảo chuyến đi an toàn, không làm ảnh hưởng đến đoàn.

Để chuẩn bị cho thể lực, bạn hãy lên kế hoạch tập những môn cơ bản như leo thang, nhảy dây, chạy bộ và học thêm các kỹ năng di chuyển nhé. Thời gian chuẩn bị là trước 01 tháng.

Chuẩn bị đồ đạc cần thiết.

Trước hết, bạn cần chuẩn bị 1 chiếc ba lô chống thấm nước, bền chắc, đeo thoải mái để đựng đồ đạc. Là đồ vật bạn phải đeo suốt hành trình, nên bạn hãy cân nhắc thật kỹ và tìm những chiếc ba lô tốt.

Tiếp đến là đôi giày leo núi. Trong suốt hành trình, vượt đèo dốc, thác, rừng… một đôi giày leo núi tốt là hết sức quan trọng. Hãy tìm hiểu và sắm cho mình một đôi giày phù hợp.

Tùy theo thời điểm đi, bạn cần lựa chọn trang phục như thế nào. Nếu đi vào tháng 10-01 thì bạn nhất định phải mang áo ấm, mũ, khăn và chăn nhé! Thời tiết mùa đông ở Khang Su Văn rất lạnh, có cả băng tuyết đó. Còn những thời điểm khác, bạn có thể mang theo áo gió, áo thun dài tay. Đặc biệt, nên chuẩn bị áo mưa nhé! Các đồ đạc cần thiết khác như đèn pin, túi ngủ, điện thoại, sạc dự phòng, thuốc… bạn cũng nên chuẩn bị chu đáo.

Xin giấy phép trước khi leo núi.

Khang Su Văn nằm ở vị trí địa lý rất đặc biệt, là biên giới của hai nước Việt – Trung. Nên bạn cần xin giấy phép trước khi leo núi tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lai Châu. Bạn sẽ nộp giấy phép này cho Đội Biên phòng Vàng Ma Chải để có thể bắt đầu chinh phục đỉnh Khang Su Văn.

Giữ gìn ý thức bảo vệ môi trường.

Trong suốt hành trình, bạn hãy luôn nhắc nhở nhở mình về ý thức bảo vệ môi trường sống nơi đây, bảo vệ rừng. Không xả rác bừa bãi; thu dọn, bỏ vào nơi quy định; không chặt, phá rừng làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của rừng núi.

Hãy thử một lần chinh phục đỉnh núi Khang Su Văn – nóc nhà biên giới của Việt Nam. Bạn sẽ vô cùng xúc động trước vẻ đẹp hoang sơ mà thơ mộng của nơi đây. Tây Bắc TV chúc bạn sẽ có một hành trình trải nghiệm tuyệt vời.

Bài viết liên quan: Chinh phục Pu Si Lung – Ngọn núi cao thứ 2 Việt Nam

Fanpage: Tây Bắc TV

-An Nhiên-

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *