Khám phá các lễ hội đặc sắc tại Lai Châu (phần 1). | Tây Bắc TV

Lai Châu là vùng đất Tây Bắc đầy bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, đẹp mê lòng người, Lai Châu còn là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của hơn 20 dân tộc anh em. Hãy cùng Tây Bắc TV khám phá các Lễ hội đặc sắc của Lai Châu nhé.

Lễ cúng thánh thạch của dân tộc Hà Nhì – Lễ hội đặc sắc tại Mường Tè.

Đây là một trong những lễ hội độc đáo của người Hà Nhì ở Mường Tè, Lai Châu. Thánh thạch hay người bản địa gọi với cái tên A pó ủ phú – Ông già đá trắng. Đây là một trong những địa điểm rất linh thiêng, bất khả xâm phạm với người dân bản Pa Thắng ( Mường Tè).

Người dân Hà Nhì nơi đây thường kể cho con cháu nghe về sự tích thánh thạch, từ đời này sang đời khác với niềm tin không bao giờ vơi cạn. Cũng như người Kinh “dù hàng năm ăn đâu, làm đâu – Vẫn cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ”, con em dân tộc Hà Nhì nơi đây luôn nhớ và tìm về vào ngày cúng A pó ủ phủ. Với quan niệm, ngày con trâu sẽ mang tới may mắn nên lễ cúng thánh thạch thường được làm vào ngày Sửu đầu tiên của tháng trước Tết Nguyên Đán.

Hình ảnh Thanh Thạch tại Mường Tè - Lai Châu
Hình ảnh Thanh Thạch tại Mường Tè – Lai Châu

Lễ cúng A pó ủ phủ thường diễn ra trong khoảng thời gian là ba ngày. Trong ba ngày này không ai được phép ra hay vào bản. Ngày đầu tiên được gọi là ngày cúng ông già đá trắng “thánh thạch”. Ngày thứ hai là ngày dân bản  cúng ma rừng. Ngày thứ ba sẽ cúng tại bản. Lễ vật cúng ở cả ba ngày đều giống nhau gồm lợn, gà, dê kèm theo các món mặn, bánh dày và xôi. Ở hai ngày đầu tiên thì chỉ có ai là đàn ông mới được tham gia. Đàn bà bắt buộc đóng cửa ở nhà. Ngày thứ 3, tất cả mọi người trong bản sẽ tham gia với rất nhiều trò chơi. Đây cũng là ngày được xem là vui nhất của lễ cúng thánh thạch.

Nếu có dịp đến Mường Tè, Lai Châu bạn sẽ có dịp được thưởng thức và tham gia vào lễ cúng rất độc đáo này.

Lễ mừng cơm mới – Lễ hội đặc sắc của dân tộc Si La.

Dân tộc Si La là dân tộc rất ít người. Dân số chỉ có khoảng 700 người, sinh sống và phân bố chủ yếu ở hai bản là bản Seo Hai, xã Kan Hồ, Mường Tè, Lai Châu và bản Nậm Sin, xã Cung Chải, Mường Nhé, Điện Biên. Do cuộc sống khá khó khăn, điều kiện canh tác và cuộc sống chủ yếu gắn bó với rừng núi nên đồng bào Si La luôn mong ước cuộc sống ấm no. Chính vì thế đồng bào rất coi trọng Lễ mừng cơm mới (hay gọi là ổm khe).

Thời gian

Lễ mừng cơm mới được đồng bào dân tộc Si La ( Mường Tè, Lai Châu)  tổ chức vào đầu vụ thu hoạch (khoảng tháng Tám âm lịch hằng năm), vào các ngày hợi, ngày ngọ, ngày tị, ngày thân hoặc ngày thìn. Nếu có trùng vào ngày giỗ thì sẽ lui lại nhưng chỉ chọn trong số các ngày kể trên.

Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La
Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La

Lễ cúng chính trong lễ mừng cơm mới của người Si La là một bát xôi được nấu từ lúa chín mà trưởng họ vừa hái về. Lễ vật bắt buộc cần phải có gồm một bát cơm mới ( lấy từ lúa mới chín ở nương rẫy của gia đình), hai con sóc, hai con cua và hai con cá. Gia đình có con trai đã ra ở riêng thì phải mang lễ vật đến cúng tại nhà của truởng họ.

Lễ cúng cơm mới thường được làm vào buổi chiều. Cách thức tổ chức lễ cúng cũng như những lễ vật để cúng của các dòng họ ở đây đều giống nhau. Khi lễ vật đã  được tất cả các gia đình thuộc dòng họ đem đến đầy đủ, trưởng họ sẽ bày tất cả ra một cái mâm tròn rồi bắt đầu tiến hành làm lễ cúng. Con cháu trong dòng họ sẽ quây tròn ở xung quanh mâm cúng, khi trưởng họ vừa cúng sẽ vừa đọc to những câu cầu chúc cho mùa màng của dân bản năm sau sẽ được tốt tươi, cho  một mùa thu hoạch bội thu. Lễ cúng cơm mới của người Si La không thắp hương mà sẽ thắp nến.

Chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới của người Si La
Chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới của người Si La

Khi cúng xong xuôi là lúc tất cả các gia đình trong dòng họ cùng nhau ăn cơm mừng lúa mới. Gia đình nào trong bản thuộc diện khó khăn, trưởng dòng họ sẽ cho phép đem lễ vật vừa cúng mang về nhà để ăn cùng với con cái. Người Si La cực kì coi trọng lễ cúng cơm mới vì họ quan niệm muốn năm sau thu hoạch được nhiều, cuộc sống ấm no hơn thì phải tổ chức thật chu đáo lễ cúng mừng cơm mới. Sau lễ cúng mừng cơm mới thì hôm sau tất cả các gia đình mới lên nương, lên rẫy của gia đình thu hoạch lúa chín.

Ý nghĩa

Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tín ngưỡng mà lễ cúng cơm mới của đồng bào Si La ( Lai Châu) còn là dịp để họ tưởng nhớ những người đã mất và dịp để hội tụ gia đình, họ hàng. Đây cũng là lễ hội đặc sắc biểu thị sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Một vụ mùa bội thu và no ấm được ngợi ca qua tiếng nhạc, sáo, các điệu múa đặc trưng của dân tộc Si La.

Lễ hội Hạn Khuống – Lễ hội đặc sắc của người Thái Lai Châu.

Lễ hội Hạn khuống được coi là một trong những lễ hội đặc sắc trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng của văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Lễ hội Hạn Khuống thường được đồng bào địa phương tổ chức vào sau vụ thu hoạch khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm. Lễ hội Hạn Khuống thường do bên nhà gái tổ chức. Đây thực ra được coi là một cuộc vui giúp tìm hiểu bạn đời rồi sau đó sẽ chia tay để về nhà chồng. Do đó, Lễ hội Hạn Khuống để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp và ấn tượng về một tuổi trẻ vui tươi, sôi nổi.

Hình ảnh trong lễ hội Hạn Khuống
Hình ảnh trong lễ hội Hạn Khuống

Khi nói đến lễ hội Hạn Khuống, đồng bào dân tộc Thái sẽ nghĩ ngay về nơi hò hẹn, nơi để giao duyên giữa các chàng trai, cô gái Thái qua các điệu hát nghĩa tình. Đây là điểm độc đáo trong văn hóa Thái. Lễ Hạn Khuống làm say lòng bao du khách đến thăm bản làng vào những dịp xuân đến. Bắt nguồn từ tình yêu tha thiết với cuộc sống nơi núi rừng, yêu lao động, yêu những con người nghĩa tình. Lễ hội Hạn Khuống cũng là nơi cho trai bản, gái mường được có dịp thể hiện tình yêu ấy.

Khi những câu hát tiễn dặn người yêu trong “ Xống chụ xon xao” được cất lên là khi biết bao con người như thấy mình thêm yêu quê hương, làng bản. Là một trong những phong tục đặc sắc của người Thái, lễ Hạn Khuống đại diện cho đời sống văn hóa tinh thần phong phú, cho niềm tin yêu cuộc sống thiết tha của đồng bào.

Hình ảnh trong lễ hội Hạn Khuống
Hình ảnh trong lễ hội Hạn Khuống

Chẳng khác nào câu hát giao duyên người ơi người ở đừng về của quan họ Bắc Ninh, những câu ca trong lễ Hạn Khuống cũng tha thiết níu chân du khách khi có dịp ghé qua Lai Châu xinh đẹp nơi cuối trời Tây Bắc.

Nếu có dịp tới Lai Châu bạn nhớ đừng quên khám phá các lễ hội đặc sắc nơi đây nhé. Tây Bắc TV rất hân hạnh được đồng hành cùng bạn.

– Quyên Hoàng –

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *