Khám phá các lễ hội đặc sắc tại Lai Châu (phần 2).
Lai Châu là vùng đất Tây Bắc đầy bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, đẹp mê lòng người, Lai Châu còn là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của hơn 20 dân tộc anh em, trong đó có rất nhiều Lễ hội đặc sắc. Hãy cùng Tây Bắc TV khám phá các lễ hội đặc sắc của Lai Châu nhé.
Lễ hội Xên Mường- Lễ hội đặc sắc của người Thái đen.
Thời gian tổ chức lễ hội: Tháng 2 âm lịch hàng năm.
Địa điểm:Lễ cúng mường được tổ chức lớn nhất tại Xã Mường Than, Than Uyên, Lai Châu.
Ý nghĩa
Lễ hội Xên Mường hay còn gọi là lễ cúng Mường được coi là lễ hội đặc sắc gần như lớn nhất trong một năm của người Thái đen ở Lai Châu. Lễ hội Xên Mường được tổ chức để tưởng nhớ đến các vị thần đã cai quản mảnh đất của người Lai Châu. Mường là cách mà người Thái gọi bản, làng nơi mình sinh sống. Lễ cúng mường nhằm cầu cho cuộc sống luôn ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Xên Mường thường được tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 2 âm lịch.
Mỗi nơi sẽ tổ chức lễ Xên mường khác nhau. Lễ hội Xên Mường ở Than Uyên Lai Châu gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ do các già làng, những người am hiểu về phong tục cúng lễ đảm nhiệm (trước đây là các thầy mo đảm nhiệm). Phần hội gồm các trò chơi dân gian như hội xòe, ném còn…
Lễ hội Bun vốc nặm – Lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Lào ở Lai Châu
Thời gian, địa điểm:
Thời gian tổ chức lễ hội: Trước mùa vụ mới, khoảng đầu tháng 4 hàng năm.
Địa điểm: huyện Tam Đường, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Lễ hội Bun vốc nặm hay tiếng Kinh là lễ hội té nước. Đây là lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc Lào ở Lai Châu. Hàng năm lễ hội té nước thường được tổ chức rất to trước mỗi mùa vụ, người dân bản địa té nước để cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu, tốt tươi. Trong lễ hội có các tiết mục văn nghệ, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Ý nghĩa:
Các chàng trai, cô gái Lào nô nức tham gia lễ hội té nước. Các cô gái nổ bật trong những bộ váy áo xúng xính. Lễ hội té nước gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ nhằm cúng cầu các bậc thần linh sẽ phù hộ cho mùa màng thuận lợi, mọi người luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Các già làng và trưởng bản cùng với những nam nữ thanh niên khỏe mạnh trong xã sẽ đập mẹt và gõ trống, sau đó tuốt lá cọ, tuốt lạt… để giả làm tiếng mưa hay tiếng sấm. Họ sẽ đội nón, khoác áo tơi và đến từng nhà để xin nước cũng là xin lộc trời… Đây là nét độc đáo trong văn hóa phồn thực cầu cho mùa màng bội thu.
Phần hội là phần vui nhất của lễ hội khi dân bản không kể già trẻ, trai gái kéo nhau ra suối té nước. Với quan niệm càng bị ướt nhiều sẽ càng may mắn. Các du khách khi tham gia lễ hội cũng hòa mình dưới dòng suối cùng tham gia té nước với đồng bào.
Sau khi té nước mọi người sẽ lên bờ để ăn các món ăn của bà con dân tộc Lào như cơm lam, bánh trưng đen hay xôi ngũ sắc… Lễ hội sẽ kết thúc vui vẻ bằng các trò chơi : trò đẩy gậy, trò ném còn hay kéo co…
Lễ hội Gầu Tào – lễ hội đặc sắc của đồng bào Mông.
Thời gian, địa điểm:
Thời gian tổ chức lễ hội: Cuối tháng chạp, đầu tháng giêng âm lịch.
Địa điểm: 8 xã biên giới, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, khi hoa ban, hoa mở nở trắng các cánh rừng ở Dào San, Phong Thổ, Lai Châu cũng là lúc diễn ra lễ hội Gầu Tào – đây là lễ hội đặc sắc nhất của người Mông nơi đây. Lễ hội được tổ chức bởi đồng bào Mông ở tám xã biên giới huyện Phong Thổ ( Dào San, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Tung Qua Lìn, Sì Lờ Lầu, Vàng Ma Chải, Mù Sang, Ma Li Pho) lấy trung tâm là chợ Dào San ( xã Dào San)
Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào Mông. Lễ hội nhằm cầu phúc, cầu mệnh. Người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào để khấn xin các vị thần linh ban cho mình con cái hay sức khỏe, cầu mong cho làm ăn thuận lợi. Lễ hội Gầu Tào còn để cảm tạ thần linh đã ban phước lành.
Ý nghĩa:
Trong tiếng của người Mông, Gầu Tào được hiểu là “địa điểm chơi”. Theo phong tục, tập quán của họ , lễ hội Gầu Tào sẽ do ba gia đình thường là có quan hệ họ hàng (huyết thống) hoặc các gia đình là thông gia với nhau tổ chức. Lễ hội Gầu Tào sẽ được tiến hành trong khoảng thời gian ba năm vào các mùa xuân.
Mỗi một năm họ sẽ trồng lên một cây nêu cao và để cho ba gia chủ kể trên lần lượt lấy các cây nêu cùng những đồ vật được treo trên cây về nhà để lấy phúc và lấy lộc.
Địa điểm dựng cây nêu trong lễ Gầu Tào được đồng bào gọi là Hấu Tào (hay Đồi Hội). Đây là một ngọn đồi thấp, có đỉnh đồi khá bằng phẳng , có một bãi đất rộng và xung quanh được bao bọc bởi các ngọn đồi cao hơn, phía trước Đồi Hội phải có một không gian hơi trũng và hẹp.
Đồi Gầu Tào bắt buộc phải quay theo hướng Đông nhằm giúp cây nêu đón được ánh mặt trời. Người dân tộc Mông quan niệm, đồi Gầu Tào được dựng sẽ tượng trưng cho phúc và mệnh của các gia chủ.
Để tổ chức lễ hội Gầu Tào, các gia chủ phải mời một chủ lễ (hay gọi là Trứ Tào)để giúp gia chủ chủ trì lễ hội và phải mời một người giúp việc là phụ nữ (hay Nẹ Tào), họ đều phảiđược chọn từ những gia đình yên ấm, có của ăn của để . Bên cạnh đó cần có sự giúp sức của hai thanh niên, một nam một nữ giúp hỗ trợ chủ lễ.
Lễ hội Gầu Tào tổ chức vào khoảng tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng phải chuẩn bị từ cuối năm trước.
Tết độc lập – Lễ hội đặc sắc có một không hai của đồng bào các dân tộc Than Uyên, Lai Châu.
Thời gian tổ chức lễ hội: mùng 2 tháng 9 hàng năm.
Địa điểm: Than Uyên, Lai Châu.
Ngày Quốc khánh ( mùng 2 tháng chín) hàng năm cũng là ngày mà đồng bào các dân tộc tại huyện Than Uyên ăn mừng Tết Độc lập – Đây là lễ hội đặc sắc nhất của huyện Thân Uyên hàng năm. Có lẽ hiếm có nơi nào trên đất nước ta, đồng bào các dân tộc lại ăn mừng ngày Quốc Khánh lớn như Than Uyên.
Ý nghĩa
Đã là thông lệ từ bao nhiêu năm nay, cứ mỗi năm vào ngày mùng 2 tháng 9 là đồng bào các dân tộc trong cả huyện và các huyện lân cận ( như Văn Bàn, Mù Cang Chải) lại nô nức đổ về Than Uyên vui Tết độc lập. Ở đây người ta ăn Tết mùng 2 tháng 9 rất to ( có khi còn vui hơn cả Tết Nguyên Đán). Đồng bào nô nức xuống huyện chơi các trò chơi dân gian và tham gia ngày hội văn hóa các dân tộc.
Tết Độc lập nơi đây thường kéo dài hai đến 3 ngày ( Từ ngày mùng 1 háng 9 đến hết ngày mùng hai tháng chín hoặc thậm chí kéo dài tới ngày mùng 3). Tất cả mọi người ừ già cho đến trẻ, các du khách thập phương ai cũng nô nức hòa vào dòng người tấp nập vui trảy hội.
Nếu mùng hai tháng chín năm tới bạn chưa biết đi đâu thì nhất định phải một lần ghé tới Than Uyên Lai Châu để xem Tết Độc lập to nhất cả nước của đồng bào nơi đây.
Chúc các bạn có những hành trình tuyệt vời khi đến với các lễ hội đặc sắc tại Lai Châu.
Xem thêm: https://taybac.tv/kham-pha-cac-le-hoi-dac-sac-tai-lai-chau-phan-1/
- Quyên Hoàng –