Khám phá các lễ hội đặc sắc tại Lai Châu (phần 3).| Tây Bắc TV
Lai Châu là vùng đất Tây Bắc đầy bí ẩn mà chúng ta chưa khám phá hết. Không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, đẹp mê lòng người, Lai Châu còn là nơi hội tụ những nét văn hóa độc đáo của hơn 20 dân tộc anh em. Hãy cùng Tây Bắc TV khám phá các Lễ hội đặc sắc của Lai Châu nhé.
Lễ hội nàng Han
Lễ hội Nàng Han nhằm tôn vinh vị nữ anh hùng của đồng bào dân tộc Thái Trắng – người có công lao đánh giặc ngoại xâm. Lễ hội Nàng Han được tổ chức nhằm tưởng nhớ nàng đồng thời cũng để cầu cho một năm ấm no, mùa màng bội thu, cầu sức khỏe, bình an cho dân bản. Lễ hội nàng Han thường được tổ chức vào mười lăm tháng hai ( 15/2 âm lịch) hàng năm, tại xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu ( bản Tây An). Lễ vật sẽ là nông sản do chính bà con sản xuất ra và hoa quả, xôi gà, giấy bạc của người Thái. Dân bản địa sẽ tập trung tại miếu Nàng Han để xem các thầy mo tổ chức cúng lễ ngoài trời. Sauk hi cúng xong, các cô gái Thái với áo cóm truyền thống sẽ biểu diễn những bài ca, bài múa ca ngợi vị nữ anh hùng, ca ngợi quê hương, đất nước.
Sau phần lễ là phần hội rất đặc sắc gồm các trò chơi của đồng bào như ném còn, kéo co, nhảy sạp, đẩy gậy… Ngoài ra còn có cuộc thi bắt cá suối cũng thu hút đông đảo người tham gia. Ẩm thực trong lễ hội nàng Han vô cùng đăc sắc với những món ăn đậm bản sắc dân tộc như Pa Pỉnh tộp, xôi ngũ sắc…
Lễ hội Hoa Ban
Thời gian tổ chức lễ hội: 13 tháng 2 âm lịch hàng năm
Địa điểm: đa số các huyện thuộc Lai Châu.
Lễ hội Hoa ban thường được tổ chức vào dịp đầu năm khi thời tiết đã bắt đầu có nắng ấm. Lễ hội mang ý nghĩa rất quan trọng đối với đồng bào dân tộc Thái. Hội hoa ban là dịp để con cháu bày tỏ đạo hiếu. Là ngày dành cho tình yêu, hạnh phúc, thỉnh bái thần rừng, thần hang để cầu cho mưa gió thuận hòa, mùa màng bội thu. Khi những cánh rừng phủ trắng sắc ban ấy là lúc người Thái mở hội.
Ngày hội hoa Ban được bắt nguồn từ một sự tích về tình yêu của dân tộc Thái. Ngày hội diễn ra sôi nổi với nhiều trò diễn độc đáo. Âm thanh sôi nổi của tiếng khèn, tiếng sáo. Không khí vui tươi với những điệu múa xòe hoa. Các chàng trai, cô gái Thái trao nhau những tiếng hát giao duyên thắm tình.
Lễ hội Kin Lẩu Khẩu Mẩu của người Thái Trắng
Thời gian tổ chức lễ hội: rằm tháng 9 âm lịch.
Địa điểm: Mường So, Phong Thổ, Lai Châu
Kin lẩu khẩu mẩu (theo tiếng Kinh là Lễ hội cốm mới) là lễ hội đặc sắc của người Thái trắng – thuộc xã Mường So – huyện Phong Thổ . Đây là lễ hội lâu đời của người bản địa nhằm cầu mong mưa gió thuận hòa, mùa màng tốt tươi, mọi vật sinh sôi, nảy nở. Kin lẩu khẩu mẩu được tổ chức hàng năm vào ngày rằm tháng 9 (âm lịch). Đây là thời điểm thích hợp để thu lúa non để làm cốm. Lúa được dùng để làm cốm bắt buộc phải là lúa nếp. Ngày lễ, dân bản sẽ ra đồng để chọn ra loại lúa phù hợp lấy về làm cốm dâng lễ.
Người ta cũng chọn những bông lúa hạt to, mẩy và đặc biệt là không lẫn lúa tẻ rồi tuốt lúa từ những bông lúa đó đem phơi khô rồi bảo quản ở trong các bao đặt nơi khô thoáng để làm giống cho vụ sau.
Trước ngày diễn ra lễ hội, bản sẽ chọn ra một cụ bà cùng các cô gái trong bản ra ruộng lấy lúa về. Những cô gái Thái được chọn cũng phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe như: các cô gái phải còn trinh tiết, nếu đã lấy chồng thì phải chọn những người có gia cảnh êm ấm.
Lễ hội Háu Đoong của người Giáy Lai Châu
Thời gian tổ chức: 6 tháng 6 âm lịch.
Địa điểm: xã San Thàng thành phố Lai Châu
Hàng năm, cứ vào dịp ngày 6/6 Âm lịch, đồng bào người Giáy ở Lai Châu sẽ lại cùng nhau để tổ chức Lễ hội Háu Đoong. Lễ hội đặc biệt này thu hút rất đông du khách.
Người Giáy trồng lúa, trồng ngô ở trên các mảnh ruộng khá bằng phẳng và họ sẽ làm những chiếc bánh truyền thống. Trong quan niệm riêng của đồng bào dân tộc Giáy ở Lai Châu thì vạn vật đều có linh hồn; đất thì có thần đất, rừng thì có thần rừng, sông sẽ có thần sông. Trong đó, với họ thần rừng được coi là linh thiêng nhất. Để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với thần rừng, người dân tộc Giáy sẽ tổ chức lễ cúng long trọng thần rừng 2 lần/năm vào các ngày mùng 3/3 và ngày mùng 6/6 Âm lịch.
Lễ hội Háu Đoong được hiểu là lễ cúng thần rừng theo tiếng Giáy. Họ vào rừng cúng để cầu mong cho mọi người được khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn; cầu cho các loại cây trồng, vật nuôi đều phát triển, không bị sâu bệnh.
Lễ hội Kin Pang của người Thái Đen Lai Châu
Thời gian tổ chức lễ hội: tháng 3 âm lịch.
Địa điểm: huyện Than Uyên, Lai Châu
Ý nghĩa
Lễ hội Kin Pang hay còn gọi là lễ Then Kin Pang là một hình thức lễ hội tâm linh diễn xướng, đây là nghi lễ để thỉnh (cầu) lên các đấng thần linh để đem may mắn về chữa bệnh, lễ xin con nuôi, hoặc ban phát tài lộc, ban sức khỏe cho tất cả bà con bản mường… Đồng thời lễ Then Kin Pang người Thái đen cũng cầu mong cho một năm tới sẽ có mùa màng bội thu.
Mở đầu lễ Kin Pang sẽ là điệu múa mang tên “tăng pẳng”. Điệu múa này được các con nuôi ở bản mường cầm mỗi người một cái ống tre đứng xếp thành hai hàng, mặt đối mặt, họ sẽ cùng nhau nện các ống tre mạnh xuống đất hoặc sàn gỗ để tạo âm thanh vang vọng. Âm thanh ấy tượng trưng cho sấm, mưa cầu cho mùa màng tốt tươi.
Lễ Kin Pang còn có tục buộc chỉ vào cổ tay để mang lại nhiều điều may mắn và hạnh phúc trong cuộc sống.
Trước lúc Then hành lễ những phụ nữ Thái đen đã tằng cẩu (là những người đã lập gia đình) sẽ cầm khăn piêu và đi xung quanh nơi hành lễ ba lần.
Ông Then lúc này sẽ hát những lời khẩn cầu để mời gọi thần linh trên trời xuống trần, ban phát cho dân làng sức khỏe và chữa bệnh cho mọi người.
Trong nhịp trống chiêng sôi nổi, mọi người sẽ cùng nắm tay nhau vui điệu xòe. Khăn piêu, áo cóm, điệu xòe được coi là đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.
Nếu có dịp đến với Lai Châu bạn nhất định sẽ say lòng với những lễ hội đặc sắc trải dài theo bốn mùa trong năm của đồng bào các dân tộc nơi đây. Tây Bắc TV chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời.
- Quyên Hoàng –