Núi đá Ô Sìn Hồ – điểm du lịch gắn với tín ngưỡng của người Dao Khâu.
Nằm cách thành phố Lai Châu không xa, Sìn Hồ là một huyện có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch. Là cái tên rất mới, chưa được đầu tư khai thác nhiều song Sìn Hồ được thiên nhiên ưu ái dành tặng không khí mát mẻ, thiên nhiên tươi đẹp. Lên Sìn Hồ bạn đừng quên ghé thăm Núi đá Ô Sìn Hồ – điểm đến tiềm năng của huyện.
Núi đá Ô Sìn Hồ – địa điểm linh thiêng của người bản địa.
Núi đá Ô Sìn Hồ gắn liền với sự tích gặp tiên của đồng bào dân tộc Dao nơi đây. Sự tích kể lại rằng: ngày xửa ngày xưa có một ông Tiên trên trời đi du ngoạn ở dưới trần gian. Ông Tiên đằng vân đáp xuống đỉnh San Ta Ngai – đỉnh núi được coi là cao nhất của Sìn Hồ. Sauk hi quan sát bốn phía, ông Tiên nhìn thấy một bãi đất bằng ở phía Nam. Tiên ông muốn tới vùng đó tham quan nhưng không rõ đường vì xung quanh là rừng rậm, núi xanh. Vậy nên ông Tiên đã quyết định sẽ mở một con đường. Bằng phép tiên ông đã mở con đường bằng cách xé vách đá, giờ đây là đường vào bản Sang Ta Ngai. Bãi bằng mà ông nhìn thấy chính là bản Tả Phìn. Ông Tiên được dân bản đón tiếp nồng hậu trong 7 ngày 7 đêm.Đến ngày thứ bảy ông chợt nhớ ra mình phải về trời.
Do đi vội vã nên Tiên ông đã để quên rất nhiều đồ. Trước khi vào đến bản Tả Phìn khi ông nghỉ chân ở đỉnh núi ngọc, Tiên ông làm rơi mất viên ngọc, sau này bị Pháp lấy đi. Lúc đang xem hội ông rời khỏi Tả Phìn còn để quên chiếc ô dùng để che nắng che mưa lúc xem hội. Cái ô tiên này được cắm giữa bản. Sau này cái ô hóa đá, chính là núi Đá Ô bây giờ. Dân bản địa hàng năm đều tổ chức lễ hội và đến cúng lễ tại Đá Ô để cầu sức khỏe.
Vài nét về núi Đá Ô Sìn Hồ.
Cao nguyên Sìn Hồ là một trong những điểm đến đầy tiềm năng của tỉnh Lai Châu. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi non trùng điệp, những dòng suối đầu nguồn trong lành, những ruộng bậc thang vàng óng. Trong đó núi đá Ô Sìn Hồ là một trong những điểm đến tâm linh của nhân dân huyện.
Núi đá Ô là một dạng đá badan phong hóa có hình dạng như một chiếc ô lớn. Núi đá Ô nằm ở ngay trung tâm xã Tả Phìn, Sìn Hồ. Một phần của núi đá Ô dựa lưng vào hai cây cổ thụ lớn ( hai cây chò). Núi đá Ô cao hơn ba mét (3,7m) và chia làm ba phần. Phần trên cùng có dạng chóp ô lớn cao khoảng bảy mươi đến tám mươi cm và đường kính khá lớn lên đến 5,2 m, nhiều người đứng dưới phần chóp ô này vẫn có thể che nắng mưa tốt. Phần đá của chóp ô có màu xanh rêu cùng rất nhiều hoa văn đặc biệt, độc đáo. Phần thân giữa có đường kính 2,5 m gồm nhiều phiến đá có màu nâu đen được xếp chồng lên với nhau tạo thành những dạng hình thù độc lạ. Phần chân ( phần sát đất) có chiều cao lên đến 55cm và đường kính lên đến 5,4 m là những phiến đá phẳng ( đường kính 40 – 50 cm) cũng là nơi để dân địa phương đặt lễ vật khi đến dâng cúng được bao bọc bởi phần rễ nổi của hai cây cổ thụ.
Với khung cảnh thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành đã tạo thành nét riêng biệt cho núi đá Ô để nơi đây trở thành một trong những danh lam thắng cảnh nổi bật của cao nguyên Sìn Hồ.
Núi đá Ô Sìn Hồ đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2007.
Ngoài núi đá Ô, Sìn Hồ còn rất nhiều điều tuyệt vời.
Trên cung đường từ thành phố Lai Châu đến với Sìn Hồ,các du khách sẽ được thỏa sức chiêm ngưỡng rất nhiều cảnh đẹp thiên nhiên khó cưỡng như biển mây bồng bềnh như tiên cảnh, các thung lũng với ánh vàng chói chang của những thửa ruộng bậc thang vào độ lúa chín, nằm nép mình bên các vách núi là các bản làng xinh đẹp. Tất cả điều đó đã tạo ra cho Sìn Hồ một sức hút riêng, độc đáo khiến bao du khách xiêu lòng.
Chợ phiên:
Thị trấn Sìn Hồ cũng được coi là một trong những điểm đến rất đặc biệt và hấp dẫn với phiên chợ trung tâm mỗi dịp cuối tuần. Vào dịp chợ phiên, các chàng trai, cô gái của các dân tộc như Mông, Thái, Dao lại xúng xính trong những bộ trang phục đẹp nhất, cùng xuống chợ và mang đến chợ các sản vật của núi rừng. Những âm thanh rất vui nhộn nơi phiên chợ vùng cao Sìn Hồ, các món ăn dân tộc truyền thống mang hương vị đặc trưng của núi rừng thu hút bất kì ai khi đến nơi đây.
Rừng nguyên sinh:
Thị trấn Sìn Hồ còn có rất nhiều các cánh rừng nguyên sinh lâu đời và các thung lũng giữa núi với những cánh đồng lúa chín vàng rực, những khu vườn tuyệt đẹp ẩn gữa thung lũng trồng các loại lê, đào, mận lâu năm, bạc mốc thân quanh năm, đến mùa bung nở đơm hoa kết trái.
Khu hang động Pu Sam Cáp
Ngoài ra bạn có thể ghé thăm khu hang động Pu Sam Cáp của Sìn Hồ – nơi được mệnh danh là Tây Bắc đệ nhất động. Pu Sam Cáp hiện lên thật huyền bí với những vòm động sâu hun hút. Dò dẫm trong không gian ấy, ta cảm nhận được hơi lạnh của đá, những ánh sáng đầy màu sắc phản quang trên những phiến thạch nhũ. Quần thể hang động nơi đây chưa được khai thác du lịch nhiều nên còn rất hoang sơ. Pu Sam Cáp được ví như người con gái đẹp ngủ quên giữa núi rừng Tây Bắc. Từ hàng nghìn năm qua, nàng con gái đẹp ấy vẫn ngủ say sưa chờ được thức giấc. Tham quan hang động Pu Sam Cáp du khách lại được thưởng thức một cảm giác mạo hiểm khó nói thành lời.
Nơi đây còn có bản Pú Đao hoang sơ, tuyệt đẹp giữa núi rừng. Bản Pú Đao nằm ở độ cao chót vót nằm trên những con đèo hiểm trở, uốn lượn. Đứng từ bản Pú Đao du khách có thể ngắm nhìn những ngôi nhà sàn ẩn trong thung lũng của người Thái nơi đây. Pú Đao được mệnh danh là đỉnh Phan-xi-păng thứ hai. Bốn bề núi sông quanh bản Pú Đao hội tụ với nhau, từ đây có thể nhìn được dòng chảy cắt ngang núi của sông Đà tạo thành hình một chữ V lớn.
Làm cách nào để đến Núi đá Ô Sìn Hồ?
Sìn Hồ là huyện nằm giữa của tỉnh Lai Châu, là huyện biên giới giáp với tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, cách thành phố Lai Châu chỉ khoảng hơn 50km về hướng Tây. Nơi đây được ví như nóc nhà của tỉnh.
Có rất nhiều cách để tới núi đá Ô Sìn Hồ. Từ Hà Nội lên bạn có thể bắt xe khách tại các bến xe Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát. Xe chạy tuyến Hà Nội – Lai Châu rất nhiều, từ sáng đến 20h tối lúc nào cũng có xe. Chọn cho mình một nhà xe uy tín, nằm ngủ một giấc trên chiếc khách sạn di động là bạn đã có mặt tại Lai Châu rồi. Sau đó bạn thuê xe và di chuyển hơn 50km là đã có mặt tại Sìn Hồ.
Còn nếu bạn là phượt thủ, thích trải nghiệm đổ đèo ở Lai Châu, thì có thể di chuyển theo cung đường sau: Hà Nội – Sơn Tây – Khau Phạ – Mù Cang Chải – Than Uyên – Lai Châu – Sìn Hồ. Trên đường đi bạn có thể checkin tại Khau Pha ( 1 trong tứ đại danh đèo vùng Tây Bắc) hay Mù Cang Chải. Hoặc bạn có thể chọn tuyến Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai – Sapa – Lai Châu – Sìn Hồ. Cung đường này bạn có thể ghé đèo Ô Quy Hồ, tham quan Sapa, khu cầu kính Rồng Mây (Lai Châu).
Dù dịch chuyển theo cách nào cũng là trải nghiệm tuyệt vời. Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy đi cùng chúng tôi nhé!
Hi vọng Tây Bắc TV sẽ có dịp được đón chào du khách đến với Núi đá Ô Sìn Hồ – điểm đến tiềm năng của Lai Châu.
– Quyên Hoàng –