Tỉnh Cà Mau có 7 ngôi chùa Khmer, đa số được xây cất từ xa xưa ở các phum, sóc tại các vùng nông thôn, phục vụ nhu cầu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cho cộng đồng. Trong bài viết này, Tây Bắc TV sẽ giới thiệu về Vẻ đẹp của ngôi chùa Khmer: chùa Monivongsa Bopharam.
Giới thiệu về về chùa Monivongsa Bopharam
Tọa lạc tại phường 1, thành phố Cà Mau, chùa Monivongsa Bopharam là một ngôi Chùa Khmer rất đẹp, với diện tích khá rộng.
Chùa có kiến trúc độc đáo, cảnh quan thoáng mát, khuôn viên rộng rãi và rất yên bình.
Nhìn từ xa, chùa Monivongsa Bopharam như một đóa sen cách điệu với màu sắc nổi bật, mang vẻ đẹp vừa cổ kính vừa trầm mặc. Sự uy nghi cùng với những đường nét kiến trúc điển hình của Phật giáo Nam tông mang lại cho ngôi chùa sự hấp dẫn riêng, thu hút khách tham quan cả trong và ngoài tỉnh.
Tên chùa Monivongsa Bopharam
Tên gọi của chùa Monivongsa Bopharam, theo tiếng Pali nghĩa là Liên Hoa Tự. Ngôi chùa được cố hòa thượng Thạch Kên kêu gọi phật tử góp công đức chung tay xây dựng năm 1964. Kiến trúc đặc trưng với nhiều tầng mái cùng họa tiết trang trí sống động hàm chứa tâm tư, tình cảm của người Khmer với đạo Phật của mình.
Chùa Monivongsa Bopharam có kiến trúc đặc biệt
Chùa Monivongsa Bopharam sử dụng hai gam màu đỏ và vàng làm chủ đạo tượng trưng cho phước lành và may mắn.
Cổng chùa Monivongsa Bopharam
Cổng Chùa vô cùng đặc sắc và kiên cố. Cổng chính của chùa Monivongsa Bopharam quay về hướng Đông, được trang trí hoa văn tinh xảo và ở bên trên là hình ba ngọn tháp tượng trưng cho Tam bảo.
Bên trong Chùa có khuôn viên rộng rãi, các tiểu cảnh gắn liền với câu chuyện cuộc đời Đức Phật được phối kết hài hòa với cây xanh và rất nhiều cổng phụ.
Khuôn viên chùa Monivongsa Bopharam
Khuôn viên cách cổng khoảng 100m, ở đó bức tượng Phật khổng lồ nằm ngang giữa sân vô cùng uy nghi và bề thế. Tư thế nằm của Đức Phật Thích Ca được tái hiện rất tinh tế với tay phải kê bên đầu nhẹ nhàng, khuôn mặt hiền hậu và thanh thoát toát lên vẻ ung dung tự tại.
Chủ thể chính được thờ trong chùa Monivongsa Bopharam Đức Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều hình dáng, phong thái khác nhau như tượng Phật đản sinh, tượng Phật tu khổ hạnh, tượng Đức Phật thuyết pháp cho 5 anh em Kiều Trần Như, tượng Phật nhập niết bàn…
Trong đó, công trình đặc sắc nhất chính là cụm tượng kể về cuộc đời của Phật Thích Ca từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành và giác ngộ sinh, lão, bệnh, tử với những hình ảnh người cùng cỗ xe ngựa được tái hiện rất độc đáo, nằm ở vị trí nổi bật ngay bên cạnh Chánh điện.
Chính điện
Ngôi chính điện được xem là quan trọng nhất đối với một ngôi chùa Khmer. Để có được một ngôi chính điện nguy nga, chạm khắc hoa văn tinh xảo và họa tiết đặc sắc với gam màu chủ đạo là vàng và đỏ, các Phật tử đã chung tay góp công đức duy tu hằng năm, nhằm duy trì “mái nhà chung” của Phật giáo Nam tông, duy trì bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng, cũng là nơi hành lễ tôn vinh, thực hành giáo lý nguyên thủy mà Đức Phật đã dạy.
Chánh điện cao 32m, nằm ở trung tâm khuôn viên và mặt tiền quay về phía Đông, có bậc tam cấp cao 1.5m dẫn lên nền nhà. Xung quanh Chánh điện là hành lang dài cùng hai hàng cột to nâng đỡ mái chùa gồm nhiều tầng xếp chồng lên nhau, hình thành nên một đỉnh nhọn mang ý nghĩa tượng trưng cho ngọn núi Tudi của Phật giáo.
Tháp Cốt
Các công trình nổi bật khác tại chùa Monivongsa Bopharam là khu Sala và tháp để cốt. Tháp để cốt được xây dựng trong khuôn viên chùa, là nơi thờ cúng rất thiêng liêng. Còn Sala (hay Phước Xá) là nhà hội của các sư sãi và tín đồ Phật giáo Khmer. Bên trong gian Sala có bàn thờ Phật cùng ghế ngồi để Phật tử bàn bạc và chuẩn bị trước khi lên Chánh điện hành lễ. Trên vách và trần của Sala cũng được trang trí rất nhiều hoa văn, bích họa hết sức tinh xảo.
Văn hóa và lễ hội của chùa Monivongsa Bopharam
Hằng năm vào những ngày lễ tắm Phật (30/08 và 01/09 âm lịch) hay các dịp lễ hội lớn của người Khmer như Tết Chôl Chnăm Thmây, Ok Om Bok, Sene Dolta… người dân địa phương thường đến chùa Monivongsa Bopharam để cúng viếng và tổ chức văn nghệ. Trong đó đặc sắc nhất phải kể đến Lễ dâng y Kathina tại chùa Monivongsa từ ngày 16/09 đến 15/10 âm lịch.
Các dịp lễ hội như thế này thường kéo dài nhiều ngày liền và diễn ra suốt đêm với những hoạt động sôi nổi, náo nhiệt như đá cầu, nhảy lưới, ném tạ, giấu khăn, thả đèn trời… Đến đây vào dịp lễ hội, bạn không chỉ được tham dự các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống của tộc người Khmer bản địa mà còn có cơ hội trải nghiệm những món ăn dân dã mà người dân đem đến cúng chùa.
> Xem thêm: Các địa điểm du lịch Cà Mau hấp dẫn
Kết luận
Mang vẻ đẹp tôn giáo và kiến trúc độc đáo, chùa Monivongsa Bopharam thu hút rất nhiều du khách và người dân địa phương đến tham quan, chiêm bái. Đây cũng là nơi để du khách tìm kiếm sự bình an và thanh tịnh trong cuộc sống bận rộn ngày nay.
[giới hạn sản phẩm=”5″ cột=”5″ bán chạy nhất=”đúng”]