Xôi ngũ sắc Tây Bắc – món ngon, lạ mắt.

Với người Việt của chúng ta, xôi chưa bao giờ là món lạ nhưng xôi ngũ sắc thì tôi tin bạn chỉ gặp ở vùng cao Tây Bắc. Và phải thưởng thức món xôi ngũ sắc do chính tay đồng bào Thái làm thì độ thơm ngon tăng lên bội phần. Ngon ở đây được tính cả ngon mắt và ngon miệng.

Xôi ngũ sắc - đặc sản Tây Bắc
Xôi ngũ sắc – đặc sản Tây Bắc

Xôi ngũ sắc Tây Bắc – Món ngon lạ mắt.

Người Việt chúng ta vẫn có câu “ngon mắt ngon miệng” tức là về ẩm thực trước khi nếm để thưởng thức một nóm ăn nào đó thì việc đầu tiên là món ấy phải đạt trình độ thẩm mĩ của mắt. Tức là được trình bày cầu kỳ, bắt mắt. Món xôi ngũ sắc của đồng bào Thái Tây Bắc đạt tới trình độ thẩm mỹ của mắt bởi màu sắc ngũ hành tương sinh tương khắc: trắng, xanh, vàng, hồng, tím…

Xin đừng lầm tưởng xôi được nhuốm màu thực phẩm công nghiệp nhé! Tất cả các màu sắc bắt mắt của xôi đều có được là do cây lá nếp. Cây lá nếp là một loại cây tự nhiên, được đồng bào đưa về trồng trong vườn nhà từ bao đời nay. Hương lá nếp quyện với hương xôi càng làm cho xôi thêm thơm. Sắc màu của lá nếp làm cho mâm (đĩa) xôi thêm đẹp mắt.

Xôi  thường được đồng bào làm vào dịp nhà làm (lễ) dịp Tết, hoặc công việc cưới hỏi hoặc khi trong bản có việc (lễ, hội) người ta làm xôi ngũ sắc.

Chuẩn bị nguyên liệu làm xôi:

Để có mâm xôi ngũ sắc, chúng ta cần chuẩn bị gạo nếp nương loại ngon, cây lá xôi nếp. Mỗi màu sắc cho xôi là một cây khác nhau. Người chuyên làm mới phân biệt được cây này cho màu vàng hay tím, cây kia cho màu xanh hay hồng…? Người thường thì nhìn lá cây nào cũng giống nhau. Rất khó phải không các bạn?

Hướng dẫn cách làm xôi ngũ sắc:

Chuẩn bị:

Khi đã có lá xôi nếp, cần rửa sạch sau đó cho nôi đun sôi. Khi nước âm ấm là chúng ta đã thấy nước có màu. Đến khi nước sôi hẳn thì màu đậm. Để nước nguội, ta dùng nước ấy ngâm gạo (má khẩu) khoảng 2 giờ đồng hồ sau đó cho vào chõ gỗ đồ.

Các bạn lưu ý nhé: mỗi một màu xôi đồ thành một chõ riêng, mỗi một loại lá cho màu khác nhau phải đun một nồi riêng và tương tự ngâm sạo trong một chậu nước riêng biệt. Với xôi trắng thì chúng ta ngâm nước sạch như bình thường. Khi miệng chõ thoảng thoảng bốc hơi mỏng như sương thu là các bạn đã ngửi thấy mùi thơm của gạo nếp nương, mùi hương ngan ngát của lá cây.

Cách bài trí

Đợi khi xôi chín, các bạn dỡ ra mâm, nếu dỡ ra cái ban nủng (mẹt) thì xôi càng ngon. Bở khi ta dỡ ra ban nủng xôi không bị đổ mồ hôi như ở mâm nhôm, đồng; xôi cũng vì thế để được lâu hơn, ăn ngon hơn. Lúc này các bạn tha hồ hít hà mùi vị hương xôi lan tỏa khắp nhà.

Nhưng muốn có mâm, đĩa xôi ngũ sắc thì chúng ta hãy đợi nhé! Lần lượt chúng ta đơm xôi vào mâm, đĩa theo từng màu khác nhau, tạo thành hình thang. Mỗi tầng xôi một màu khác khau, vừa thơm, vừa đẹp mắt. Hấp dẫn cả thị giác và khứu giác. Các màu xanh, trắng, vàng, hồng, tím… hài hòa cho chúng ta một vẻ đẹp kỳ diệu! Đẹp đến độ lần đầu nhìn thấy tôi đã từng mê mải ngắm vừa trầm trồ khen ngợi vừa hít hà mùi thơm của hương xôi mà quên thời gian.

Thưởng thức:

Với người Thái xưa kia, xôi là món ăn truyền thống. Họ ăn cơm nếp hằng ngày, thay cơm tẻ luôn các bạn nhé! Chính bởi vậy nên họ có câu: “Ăn xôi nếp/ Ngủ nhà sàn/ Uống rượu ngon/ Mặc áo cóm”. Đấy là trước kia. Còn bây giờ, người Thái Lai Châu ăn cơm tẻ là chính, điểm này giống người Kinh rồi phải không các bạn?

Nếu bạn muốn thưởng thức món xôi thơm, ngon, dẻo, đẹp hãy đến với đồng bào Thái ở Tây Bắc, đặc biệt là đồng bào Thái ở Lai Châu để thưởng thức bạn nhé! Mình tin chắc rằng đay sẽ là một trải nghiệm ấn tượng và các bạn sẽ nhớ mãi trong những cuộc hành trình đi tìm nét đẹp ẩm thực trên mảnh đất Việt thân yêu!

Thanh Tám

3.4/5 - (5 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *